Đắk Nông hiện có 307 công trình thủy lợi. Trong số này có 255 hồ chứa, 32 đập dâng, 8 hệ thống kênh tiêu, 10 hệ thống trạm bơm và 2 công trình thủy lợi khác.
Theo Sở NN&PTNT Đắk Nông, trong số các công trình thủy lợi hết nước thì huyện Đắk Mil có 18 công trình, Krông Nô có 5 công trình, Đắk Song 3 công trình, Đắk R’lấp 3 công trình và Tuy Đức 5 công trình.
Tổng dung tích các hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh là 63,25/158,5 triệu m3. Dung tích này ước đạt khoảng 40% so với dung tích thiết kế và thấp hơn khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện nguồn nước trên các sông, suối tiếp tục dao động theo xu thế giảm. Tại khu vực phía Bắc, nguồn nước tại các suối nhỏ cơ bản đã bị cạn kiệt.
Bên cạnh đó, nguồn nước từ các ao nhỏ của người dân đào để tích trữ nước tưới cho cây trồng ở gần các khe suối, chân đồi cao cũng đã xuống thấp. Một số ao nhỏ đã không còn nguồn nước tưới.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Văn Nghĩa cho biết, hiện thời tiết khô hanh nên không thể có nguồn nước bổ sung cho nước mặt, nước ngầm.
Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, đối với diện tích nằm trong phạm vi phục vụ công trình thủy lợi, đến nay, nguồn nước cơ bản phục vụ sản xuất mùa khô năm 2024.
Đáng lo ngại nhất là diện tích cây trồng nằm ngoài phạm vi phục vụ công trình thủy lợi. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài, không có mưa thì sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước tưới cục bộ tại một số địa phương. Đặc biệt, là ở các huyện thuộc khu vực phía Bắc của tỉnh như: Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil.
Dự báo tình trạng hạn hán, thiếu nước sẽ xảy ra và ảnh hưởng cho khoảng 8.180 hecta cây trồng các loại. Cụ thể, ở huyện Đắk Mil Khoảng 1.670 hecta; huyện Krông Nô khoảng 4.510 hecta; huyện Cư Jút khoảng 2.000 hecta...
Từ đầu mùa khô đến nay, Sở NN&PTNT đã chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi tổ chức kiểm tra, theo dõi, nắm bắt tình hình nguồn nước. Từ đó, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời đưa ra các các chỉ đạo, kế hoạch chống hạn cho từng khu vực, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán xảy ra.