Hưng Yên: Huyện Văn Giang đầu tư cho các công trình thủy lợi, đảm bảo nguồn nước cho vùng chuyên canh

Minh Trang|04/12/2023 18:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Việc đầu tư nâng cấp, tu bổ các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Văn Giang (Hưng Yên) đã góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, xây dựng (nông thôn mới) NTM.

Hiện nay, sản phẩm chủ lực của huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên là hoa cây cảnh, cây có giá trị kinh tế cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện năm 2022 đạt 88,6 triệu đồng/người/năm.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Văn Giang cho biết, để tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và công tác thuỷ lợi tại các vùng sản xuất để hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn mang lại giá trị kinh tế cao.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Tùng, hiện nay hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng được nhu cầu tưới, tiêu; đảm bảo đủ nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước khi có mưa lớn, bão xảy ra.

cong-trinh-thuy-loi.jpg
Làng hoa Xuân Quan. Ảnh: Báo Tin tức

Hệ thống công trình thủy lợi (CTTL) của huyện Văn Giang gồm có 32 trạm bơm, 1.743 kênh tưới, tiêu thủy lợi nội đồng với chiều dài 447,6 km (trong đó, có 15,1 km Kênh cấp I; kênh cấp II: 112 km; kênh mặt ruộng: 320,5 km) do Công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Hưng Yên quản lý, vận hành và khai thác, đảm bảo tưới, tiêu phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và tiêu thoát nước cho các hoạt động công nghiệp và đời sống dân sinh góp phần xây dựng nông thôn mới.

Cũng theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Văn Giang, trong những năm qua UBND huyện đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL tỉnh Hưng Yên, UBND các xã, thị trấn đầu tư nâng cấp, mở rộng, kiên cố hoá 30 cầu cống, 150km kênh mương, xây dựng các phương án bảo vệ công trình, đảm bảo chủ động công tác phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị quản lý công trình thực hiện kiểm kê, kiểm soát các vi phạm và nguồn nước thải xả vào công trình, đảm bảo phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước cho các khu vực công nghiệp, dân sinh.

Về với vùng trồng hoa, cây cảnh, ông Lê Quý Đôn, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan cho biết, năm 2020, sau khi được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, xã Xuân Quan luôn quan tâm rà soát các tiêu chí thủy lợi, nước sạch trong Bộ tiêu chí quốc gia chương trình xây dựng nông thôn mới, chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh các phong trào thi đua để giữ vững và nâng cao các tiêu chí, hướng đến xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Đến cuối năm 2023, xã tiếp tục “về đích” NTM kiểu mẫu. Với thế mạnh là địa phương chuyên canh sản xuất hoa, cây cảnh, xã Xuân Quan rà soát, lựa chọn tiêu chí tổ chức sản xuất làm điểm nhấn trong việc xây dựng NTM kiểu mẫu.

Hiện nay, xã có hơn 80% diện tích đất nông nghiệp được trồng hoa, cây cảnh, cây công trình. Để nâng cao và đảm bảo hiệu quả sản xuất, xã đã rất chú trọng vào công tác thuỷ lợi góp phần xây dựng NTM. Đồng thời, các nhà vườn trên địa bàn đều áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa trong quá trình trồng hoa cây cảnh tiết kiệm nước đạt 53%.

Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Quan, toàn bộ nước sinh hoạt, sản xuất của xã đều chảy qua một hệ thống cống Chung thủy nông. Những năm qua UBND xã đã tập trung xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống cống Chung thủy nông để đảm bảo việc tiêu thoát nước. Ngoài ra trên địa bàn xã có 3 cống qua đường tỉnh 379B và hàng chục cống qua đường nội đồng. Toàn bộ hệ thống cống đều được UBND xã xây dựng kế hoạch nạo vét, hút bùn hàng năm đảm bảo nguồn nước, phục vụ sản xuất.

Hệ thống kênh mương toàn xã với tổng số 15,442km, do Xí nghiệp KTCTTL tỉnh quản lý, thường xuyên được khơi thông để đảm bảo dòng chảy. Hàng năm, Xí nghiệp KTCTTL tỉnh, UBND xã đã tổ chức giải tỏa vật cản như đăng, đó, lưới chắn cá, bèo, sen... trên các kênh tiêu chính trước mùa mưa bão, đảm bảo tiêu thoát nước khi có mưa úng xảy ra, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm công trình thủy lợi. Đạt tỷ lệ 100% các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng được bảo trì hàng năm.

Cũng theo ông Lê Quý Đôn, UBND xã thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã để các hộ chăn nuôi không xả thải trực tiếp vào công trình thủy lợi. Các hộ chăn nuôi đều xử lý chất thải bằng hầm bioga, ủ phân,...

Anh Hoàng Văn Kim, chủ nhà vườn Hoàng Kim (xã Xuân Quan) chia sẻ, xã rất quan tâm tới công tác thuỷ lợi, nguồn nước luôn được đảm bảo, người dân yên tâm sản xuất. Việc kiên cố hóa hệ thống công trình thủy lợi không chỉ giảm chi phí điện bơm nước, tiết kiệm nguồn nước tưới, tránh thất thoát gây lãng phí cho người dân mà còn giúp bà con còn chủ động được sản xuất. Cùng đó, gia đình cũng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa trong quá trình trồng hoa cây cảnh để tiết kiệm nước hơn, giảm chi phí đầu vào và gia tăng được giá trị sản xuất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hưng Yên: Huyện Văn Giang đầu tư cho các công trình thủy lợi, đảm bảo nguồn nước cho vùng chuyên canh
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.