Thời tiết nắng nóng khiến người dân dễ bị sốc nhiệt
Sốc nhiệt là tình trạng gây ra bởi cơ thể của bạn quá nóng, thường do tiếp xúc kéo dài hoặc gắng sức ở nhiệt độ cao. Đây là hình thái tổn thương do nhiệt nghiêm trọng nhất, sốc nhiệt có thể xảy ra nếu nhiệt độ cơ thể của bạn tăng lên đến 400C (104 độ F) hoặc cao hơn. Sốc nhiệt cần được điều trị cấp cứu. Sốc nhiệt không điều trị có thể nhanh chóng gây tổn thương não, tim, thận và cơ, làm tăng nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng và tử vong.
Mặt khác, thể nhẹ hơn được gọi là kiệt sức vì nhiệt/lả nhiệt (heat exhaustion), là một tình trạng mà triệu chứng có thể bao gồm ra mồ hôi nhiều và mạch nhanh là do cơ thể quá nóng. Lả nhiệt là một trong ba hội chứng liên quan tới nhiệt, trong đó chuột rút do nhiệt là hội chứng nhẹ nhất và sốc nhiệt là hội chứng nặng nhất.
Các dấu hiệu nhận biết
Các dấu hiệu nhẹ ban đầu của say nắng say nóng là nhịp tim nhanh, thở nhanh, đỏ da (do cơ chế thải nhiệt- giãn mạch dưới da), có thể vã mồ hôi, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.
Chú ý ở người già các dấu hiệu thường kín đáo và không đặc hiệu ở giai đoạn sớm. Các biểu hiện nặng hơn nếu không được xử trí kịp thời là tụt huyết áp, rối loạn chức năng thần kinh bao gồm thay đổi tri giác, kích động, mê sảng, lú lẫn, co giật và hôn mê. Khi thân nhiệt tăng quá cao còn gây mất điện giải nặng, rối loạn thăng bằng, có thể xuất huyết do rối loạn đông máu nặng, nặng hơn nữa là suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo, người già thường rất nhạy cảm khi thời tiết thay đổi, sức đề kháng giảm, nhiều cơ quan hoạt động không còn ổn định, đặc biệt là với khí trời nóng bức như hiện nay. Vì vậy trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao, người già có bệnh mãn tính cần tránh ra ngoài nắng, tránh bị sốc nhiệt. Trời nóng thường khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi dẫn đến mất nước, mất khoáng, vì vậy cần bổ sung đủ nước thường xuyên, thậm chí cả lúc không khát. Bên cạnh đó, cần chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện để tránh mắc phải những chứng bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng.
Các bác sĩ cũng cảnh báo nguy cơ mắc bệnh do nắng nóng tăng cao ở các nhóm trẻ như: Trẻ dưới 4 tuổi do tỷ lệ diện tích bề mặt cơ thể trên cân nặng cao hơn so với người lớn khiến lượng nhiệt hấp thu từ môi trường và lượng nhiệt sản sinh khi vận động đều cao hơn. Trẻ quá nhỏ chưa thể tự vận động để lấy nước uống sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm trẻ. Trẻ đủ lớn để tự lấy nước cũng thường hay quên, không uống đủ nước.
Bên cạnh đó, trẻ bị bệnh cấp tính, đặc biệt là sốt và bệnh đường tiêu hóa; trẻ vận động quá nhiều, nhất là nếu chưa quen với nắng nóng, lại quá mập hoặc không thật khỏe mạnh; trẻ đang dùng các loại thuốc làm giảm khả năng điều hòa nhiệt của cơ thể, ví dụ thuốc kháng histamin chống dị ứng, thuốc lợi tiểu hay thuốc điều trị bệnh tâm thần và trẻ từng có tiền sử bị bệnh liên quan tới nắng nóng cũng là các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh trong mùa nắng nóng.
Ngoài ra, người dân cần biết cách nhận biết các dấu hiệu đột quỵ do nắng nóng để phát hiện và xử trí kịp thời. Cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế nếu có các biểu hiện như: Vã mồ hôi nhiều, đau đầu, khó chịu, mặt đỏ, đỏ da toàn thân, cảm giác nghẹt thở, thở nhanh; nôn mửa, chóng mặt, hoa mắt, ngất lịm, trụy mạch, thậm chí li bì, mê sảng, hôn mê…
Các bước sơ cứu người bị sốc nhiệt
Việc sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân bị sốc nhiệt là rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả điều trị và di chứng sau này. Khi thấy một người nghi ngờ sốc nhiệt, say nắng với các biểu hiện như: Mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, nôn ói thì phải khẩn trương sơ cứu hạ thân nhiệt cho người bệnh.
Trước tiên, phải nhanh chóng đưa bệnh nhân tới khu vực có bóng mát, bỏ bớt quần áo và thực hiện các biện pháp chườm mát vào vùng cổ, nách, bẹn, lau người toàn thân bằng nước mát để nhanh chóng hạ thân nhiệt của bệnh nhân.
Thậm chí, có thể dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, đặt túi chườm đá ở nách, bẹn giúp làm giảm nhiệt độ ở người bị sốc nhiệt do nắng nóng.
Không dùng thuốc hạ sốt cho bệnh nhân trong trường hợp này vì thuốc hạ sốt không có giá trị khi bị sốc nhiệt.
Gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tiếp tục theo dõi thân nhiệt và thực hiện các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân xuống còn 38,5 hay 39 độ C và chuyển đến cơ sở y tế nhanh nhất.
Khi gặp bệnh nhân bị sốc nhiệt hoặc đột quỵ có ngừng tuần hoàn, cần phải cấp cứu bằng cách hà hơi, ép tim trong suốt quá trình đợi xe cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Cấp cứu đúng cách sẽ tăng cơ hội sống cho người bệnh.
Phòng ngừa sốc nhiệt
Điều quan trọng trong phòng ngừa sốc nhiệt là tránh để cơ thể mất nước và không hoạt động mạnh trong những ngày thời tiết nóng ẩm. Nếu phải hoạt động nhiều trong những ngày nóng ẩm, cần uống nhiều nước (bao gồm nước lọc và các thức uống thể thao bù muối và chất khoáng), tránh uống các thức uống có cồn, cafein và đường vì có thể gây mất nước.
Cần bổ sung các chất điện giải (natri) và nước cho cơ thể nếu đổ mồ hôi nhiều, hoặc làm việc dưới ánh mặt trời lâu trong những ngày nắng nóng. Thường xuyên nghỉ giải lao, mặc quần áo mỏng nhẹ, sáng màu.
Minh Hoa (t/h)