Dầu nhớt thải ô tô, xe máy – nỗi lo ảnh hưởng tới môi trường

Lam Trinh|26/08/2024 08:56
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Được xếp vào hạng mục chất thải nguy hại nhưng chỉ một lượng rất nhỏ dầu mỡ thải từ các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng, dọn rửa ô tô, xe máy được chuyển đến đơn vị có chức năng xử lý còn phần lớn là trao tay cho những người thu gom, tái chế. Sự trôi nổi của chất thải nguy hại này chính là hiểm họa, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường.

Với phương châm chỉ mất tiền phí những thứ không bán được, một chủ gara ô tô ở Nam Từ Liêm cho hay: “Dầu nhớt thải bán chẳng đáng bao nhiêu (khoảng 2 triệu đồng/ thùng 200l) nhưng nếu không bán thì chỉ có cách đi đổ trộm chứ chuyển cho công ty môi trường đã không được tiền còn mất phí mà để lâu trong xưởng thì vừa hôi vừa nguy cơ cháy nổ, lơ mơ còn bị phạt”.

7-dmt1.jpg
Những can dầu thải từ ô tô, xe máy để ngoài đường, sát với những chồng lốp tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và trơn trượt cho người đi đường

Chất thải nguy hại là gì?

Khoản 18, 20 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 định nghĩa chất thải nguy hại là loại chất thải có chứa các loại hợp chất hoặc chất có các đặc tính gây nguy hại trực tiếp chẳng hạn như dễ cháy, dễ nổ, làm ngộ độc, gây ăn mòn, hay một số đặc tính khác. Hoặc chất đó khi tương tác với một chất khác sẽ gây ra nguy hại đến sức khỏe của con người và ảnh hưởng đến môi trường. Thông thường chất thải gây hại là những loại khí nén, chất oxy hóa hay các loại chất thải dạng lỏng. Chất thải nguy hại là một loại chất thải đặc biệt. Và nó không thể được xử lý bằng các phương tiện thông thường hay xử lý như các sản phẩm phụ khác trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tùy thuộc vào trạng thái vật lý của chất thải, các quy trình xử lý và hóa rắn có thể được yêu cầu.

Do có tính axit mạnh hoặc kiềm mạnh nên chất thải nguy hại có thể gây ăn mòn các vật liệu, công trình. Đối với con người, các chất này có thể gây cháy da, đặc biệt đối với bộ phận phổi và mắt.

Độ PH là thang đo chính xác thông dụng để đánh giá tính ăn mòn của chất thải. Tuy nhiên con người còn dựa vào tốc độ ăn mòn của chất đó trên vật liệu thép để đánh giá mức độ nguy hại của nó. Thông thường con người đánh giá dựa trên hai tiêu chí độ pH và tốc độ ăn mòn thép chẳng hạn chất lỏng có độ pH trong khoảng từ 2 - 12.5 và tốc độ ăn mòn thép lớn hơn 0.25 inch trong một năm thì là chất thải có thành phần hoá học sẽ có tính ăn mòn cao.

Ngoài tác hại gây ăn mòn, một số chất thải nguy hại dạng lỏng có khả năng bắt cháy nhanh chóng bởi nhiệt độ bắt cháy thấp hơn 60 độ C. Đối với chất rắn dễ cháy, sự ma sát, hấp thu độ ẩm hay thay đổi hóa học tự phát trong điều kiện bình thường hoặc khí nén có thể gây cháy. Đặc tính dễ cháy ở các loại rác thải nguy hại này có thể gây ra cháy nổ, ô nhiễm môi trường nước và không khí nghiêm trọng.

Ngoài ra một số chất thải có khả năng phản ứng oxi hóa tỏa nhiệt đối với một số chất nhất định cũng có thể gây cháy nổ nguy hiểm đến con người và môi trường bên ngoài.

Một số chất thải độc hại ở dạng rắn và lỏng ngoài khả năng gây cháy cũng có thể nổ bởi các phản ứng hóa học hoặc bởi va đập, ma sát. Khi các chất thải này nổ mạnh, con người dễ bị các tổn thương về da chẳng hạn như bỏng hay thậm chí là tử vong.

Một số chất thải có mang trong mình độc tính gây ảnh hưởng, tổn thương nghiêm trọng dẫn đến tử vong ở người. Ở mức độ nhẹ hơn, các loại độc tính sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe qua đường ăn uống, hô hấp và thông qua tiếp xúc với da. Thông thường các loại chất thải này gây ra theo chiều hướng mãn tính và từ từ.

Khi chưa được xử lý, các chất thải nguy hại đặc biệt các chất thải có độc tính khi tiếp xúc với môi trường không khí và nước sẽ giải phóng ra hàng loạt khí độc gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, gây ra ô nhiễm môi trường nước và môi trường không khí.

Khi không được quản lý chặt chẽ và không đảm bảo an toàn khi quản lý chất thải trong các khâu thu gom, lưu trữ, vận chuyển và xử lý có thể dẫn đến nhiều rủi ro. Nhất là đối với một số loại rác thải nguy hại trong ngành y tế, việc thải rác không đúng quy định góp phần lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Ngoài ra một số rác thải của các ngành khác khi thải vào môi trường cũng gây nên các tác động gián tiếp dẫn đến dịch bệnh.

rxe.jpg
Vỉa hè, lòng đường được trưng dụng làm nơi rửa xe, nước thải lênh láng mặt đường gây bức xúc cho người tham gia giao thông

Có thể nói tác động của chất thải nguy hại được tính bằng nhiều năm bởi tác động của nó không gây ra một cách nhanh chóng mà thông qua tích lũy sinh học, chất thải nguy hại tác động đến hệ sinh vật để lại nhiều hậu quả về lâu dài.

Dầu nhớt, mỡ thải từ ô tô, xe máy có phải chất thải nguy hại?

Theo Thông tư 02/2022/TT-BTNMT, danh mục chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát thì tên gọi “dầu thải” hoặc “hoá chất thải”, được áp dụng khi thành phần dầu hoặc hóa chất chiếm tỷ trọng ưu thế trong chất thải (lớn hơn hoặc bằng 50%). Tên gọi chất thải có hoặc lẫn dầu hoặc chất thải có hoặc lẫn một hoá chất nhất định được áp dụng khi thành phần dầu hoặc hóa chất chiếm tỷ trọng kém ưu thế hơn so với các thành phần khác trong chất thải (nhỏ hơn 50%).

Theo Thông tư này thì dầu thải, chất thải từ nhiên liệu lỏng, chất thải dung môi hữu cơ, môi chất lạnh và chất đẩy được xếp vào danh mục chất thải nguy hại. Như vậy, theo quy định trên thì dầu nhớt, mỡ thải từ các phương tiện ô tô, xe máy là chất thải từ nhiên liệu lỏng và thuộc danh mục chất thải nguy hại.

Với khoảng 50 triệu ô tô, xe máy đang lưu hành và không ngừng tăng lên mỗi ngày, các dịch vụ sửa xe, bảo trì, rửa xe theo đó cũng hình thành nhiều hơn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng số lượng đầu xe nhưng lại thải ra môi trường một lượng lớn dầu nhớt, mỡ thải công nghiệp và nước thải chứa dầu nhớt, xăng, bụi bẩn và chất tẩy rửa,… Những tạp chất này cùng với các chất hữu cơ trong nước thải đe dọa nghiêm trọng đến nguồn nước cũng như môi trường sống trong tương lai là điều không tránh khỏi nếu như không có hệ thống xử lý.

Ảnh hưởng của dầu mỡ thải với môi trường

Trước tiên đối với môi trường đất, loại dầu nhớt, mỡ thải công nghiệp làm tăng thành phần kim loại nặng có trong đất, làm thay đổi hệ vi sinh vật ở lớp đất mặt và gây ô nhiễm đất mặt.

Khi xuống nước, dầu mỡ thải công nghiệp nổi trên mặt nước và với nguyên lý không hòa tan trong nước, chất thải này sẽ làm giảm sự quang hợp của các thực vật dưới nước, ảnh hưởng tới hệ sinh thái trong nước khiến các loài dưới nước không thể sinh trưởng, làm cho nước có mùi hôi, lâu dài sẽ làm ô nhiễm nước ngầm, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và sức khỏe con người.

dmt.jpg
Ảnh hưởng của nước thải nhiễm dầu đối với môi trường. Ảnh minh họa

Đối với môi trường không khí, trong dầu mỡ thải công nghiệp có một số thành phần khác khi gặp điều kiện lý tưởng sẽ bốc hơi lên và gây ô nhiễm trầm trọng cho không khí.

Còn đối với con người, dầu mỡ thải công nghiệp có chứa các chất độc hại có thể xâm nhập vào con người qua đường hô hấp, da, hệ tiêu hóa,…Khi vào cơ thể, chất thải này ảnh hưởng đến thần kinh, máu, gan,… gây đau đầu, chóng mặt, nôn mửa, bất tỉnh thậm chí bị tử vong.

Những người tiếp xúc thường xuyên với dầu mỡ công nghiệp, xăng, dầu có khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp như mũi, họng, khí quản, phổi… thậm chí có thể gây ung thư, tử vong.

Mặc dù được xếp vào loại chất thải nguy hại cần được thu gom, phân loại, xử lý theo quy định của pháp luật về “Quản lý chất thải nguy hại” theo Thông tư 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường song dầu nhớt, mỡ thải công nghiệp từ các điểm sửa chữa ô tô, xe máy vẫn chưa được các cơ quan chức năng giám sát, thực hiện một cách chặt chẽ. Nhiều điểm sửa chữa ô tô, xe máy, điểm rửa xe vẫn vô tư để nước rửa xe chứa dầu mỡ thải, cặn xăng dầu chảy xuống rãnh, cống thoát nước hoặc ra môi trường xung quanh. Thậm chí các phuy chứa dầu thải cũng luôn trong tình trạng mở nắp, vương vãi ra xung quanh, nguy cơ mất an toàn và ô nhiễm cao.

Bà Nguyễn Thị Hoa, phường Cầu Diễn (Q. Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), cho biết: Luôn cảm thấy bất an và ngột ngạt bởi tiếng ồn, mùi sơn và nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào từ gara sửa chữa ô tô gần đó. Theo bà Hoa, tiếng đập gõ, tiếng động cơ thử máy, cộng với mùi khét do hàn xì, mùi sơn từ cơ sở sửa chữa ô tô gây mùi khó chịu, độc hại, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của người dân trong khu vực.

“Nhất là những trưa hè nóng bức, dù đã bật điều hòa, đóng cửa kính rồi mà mùi sơn vẫn len lỏi vào được trong phòng. Ngoài tiếng ồn, mùi sơn, họ còn chứa dầu thải vào các phuy lớn để ngay dưới chân tòa nhà, bên cạnh là những chồng lốp ô tô cao ngất ngưởng. Nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn thì không biết hậu quả sẽ nghiêm trọng như thế nào”, bà Hoa chia sẻ.

Cùng hoàn cảnh với bà Hoa, chị Lan, ở gần một gara ô tô T.C, phường Minh Khai, Q. Bắc Từ Liêm (TP Hà Nội) cũng bức xúc cho biết: "Ngoài việc sử dụng các thiết bị máy móc công nghiệp trong quá trình sửa chữa gây tiếng ồn làm ảnh hưởng các hộ dân xung quanh thì cơ sở này còn để nước thải lẫn dầu mỡ thải công nghiệp, bã sơn từ các hoạt động sửa chữa và rửa xe chảy thẳng vào hệ thống nước thải công cộng".

7-ts-an.jpg
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng dầu mỡ thải công nghiệp từ các gara sửa chữa ô tô, điểm rửa xe nếu không được thu gom, loang ra mặt sàn bê tông, đường phố vừa gây mất mĩ quan đô thị vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho người đi đường. Nếu nước thải từ các hoạt động này chảy ra sông, sẽ loang trên bề mặt nước làm các loài tảo, cá tôm không có không khí thở và khi ngấm vào đất sẽ làm ô nhiễm môi trường đất; khi gặp nhiệt độ thì bốc hơi, gây tổn hại sức khỏe cho con người.

“Thực trạng đã có rồi nhưng chúng ta chưa đưa ra yêu cầu bắt buộc tất cả các điểm rửa xe phải thu gom, quản lý dầu nhớt thải. Nếu là bắt buộc thì họ thu gom như thế nào. Thu gom phải đưa đến nơi xử lý chứ thu gom rồi sau đó lại đẩy ra môi trường thì không được. Theo tôi, cách giải quyết tốt nhất là các cơ quan quản lý khi cấp phép cho các điểm rửa xe đặc biệt là là những điểm rửa xe lớn thì đề nghị bắt buộc có yêu cầu thu gom và xử lý dầu nhớt thải từ hoạt động rửa xe trước khi xả nước thải ra môi trường. Cái này tôi nghĩ rằng có thể làm được. Tất cả những điểm rửa xe lớn, nhỏ đều phải yêu cầu bóc tách dầu mỡ trong nước thải trước khi đưa ra môi trường. Cơ sở nào không thực hiện việc thu gom, xử lý dầu nhớt thải thì không cấp phép nữa. Chỉ có cách đấy thôi còn không cách nào”, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng đưa ra ý kiến.

Điều 83 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải có những trách nhiệm sau: Khai báo khối lượng, loại chất
thải nguy hại trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường hoặc nội dung đăng ký môi trường; Thực hiện phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ riêng và không để lẫn với chất thải không nguy hại, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường; Tự tái sử dụng, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng theo quy định của pháp luật hoặc chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở có giấy phép môi trường phù hợp để xử lý.
Cũng theo điều luật này thì việc lưu giữ chất thải nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu như: Phải được lưu giữ riêng theo loại đã được phân loại;
Không để lẫn chất thải nguy hại với chất thải thông thường; Không làm phát tán bụi, rò rỉ chất thải lỏng ra môi trường và chỉ được lưu giữ trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của pháp luật.

Bài liên quan
  • Tp. Hồ Chí Minh: Người dân phản ánh cơ sở tái chế phế liệu hoạt động nhiều “không”, “bức tử” môi trường
    Nhiều năm qua, môi trường xung quanh cơ sở tái chế nhôm phế liệu do ông Trần Vinh Dự làm chủ tại gần đường Trần Hải Phụng, ấp 58, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi khói bụi và mùi hôi nồng nặc. Điều đáng nói, tro xỉ nhôm đốt xong thay vì phải lưu giữ, phân loại bảo quản theo quy định, thì cơ sở này để lộ thiên ngoài môi trường. Theo người dân, cơ sở này hiện nay đang hoạt động không có giấy phép và xả thải trực tiếp môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Dầu nhớt thải ô tô, xe máy – nỗi lo ảnh hưởng tới môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.