Sóng biển vượt qua kè hộ đê, bào mòn, gây sạt lở đai rừng phòng hộ ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau).
Theo Bộ NN-PTNT, diễn biến thất thường của thời tiết, nhất là tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng… đã khiến tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông diễn ra ngày càng phức tạp, dẫn đến mất rừng phòng hộ, ảnh hưởng việc ổn định dân sinh ở ĐBSCL.
Từ năm 2016 đến nay, các nguồn vốn ngân sách trung ương, ODA… đã hỗ trợ ĐBSCL khoảng 9.764 tỉ đồng để xử lý sạt lở bờ biển, bờ sông nhằm ổn định cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ còn bố trí 2.680 tỷ đồng cho các dự án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL từ nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, do Bộ NN-PTNT quản lý. Trong đó, đầu tư xây dựng 15 km kè giảm sóng gây bồi bảo vệ bờ biển Tây của tỉnh Cà Mau với hơn 380 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, để bảo vệ tính mạng, tài sản của hàng ngàn hộ dân phía trong đê trước nguy cơ sạt lở, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ đê biển và rừng phòng hộ. Trong đó, biện pháp kè ly tâm chắn sóng tạo bãi bồi được xem là hiệu quả nhất, Cà Mau đã triển khai được 50 km kè đê biển bằng phương pháp này.
Phương pháp kè ly tâm chắn sóng tạo bãi bồi là đóng 2 hàng cọc bê-tông, mỗi hàng cách nhau trên 1,5 m và mỗi cọc cách nhau hơn 15 cm, bên trong được thảm đá… Đỉnh kè thiết kế thấp hơn sóng để giảm tác động khi sóng biển tràn vào nhằm tích tụ phù sa, tạo bãi bồi, từng bước khôi phục đai rừng phòng hộ, góp phần bảo vệ đê biển Tây trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên.
Linh Hân