Đề nghị tiếp tục tăng giá điện trong năm 2024

Minh Lâm|26/01/2024 18:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đề xuất tăng giá điện được Bộ Công Thương đưa ra trong bối cảnh tình hình tài chính của EVN vẫn rất khó khăn, lỗ khoảng 17.000 tỷ đồng trong năm ngoái dù được điều chỉnh giá bán hai lần.

Tại cuộc họp ban chỉ đạo giá đầu mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng kiến nghị xem xét điều chỉnh giá điện để đảm bảo phản ánh biến động của các thông số đầu vào của giá điện, đồng thời để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.

“Bộ Công Thương sẽ hướng EVN điều hành phương án giá điện theo đúng quy định”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Việc đề xuất tiếp tục điều chỉnh giá điện của Bộ Công Thương xuất phát trong bối cảnh năm 2023, khoản lỗ lũy kế của EVN tiếp tục tăng lên bất chấp giá bán điện đã được điều chỉnh tăng 2 lần, thêm 3% và 4,5%. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN, cũng thừa nhận tình trạng kinh doanh "không đủ bù đắp chi phí sản xuất điện" của tập đoàn.

gia-dien.jpg
Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục tăng giá điện trong năm 2024

EVN tính toán tổng chi phí bình quân các khâu phát điện, truyền tải và phân phối vào khoảng 2.092,78 đồng/kWh, nhưng giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng chỉ khoảng 1.950,3 đồng/kWh, dẫn đến việc tập đoàn này lỗ lũy kế năm thứ 2 liên tiếp.

Tính chung 2022 - 2023, EVN lỗ gần 38.000 tỉ đồng, chưa gồm khoản chênh lệch tỷ giá vẫn treo từ các năm trước với khoảng 14.000 tỉ đồng. Với đề xuất này, theo Bộ Công thương, nhằm phản ánh biến động các chi phí đầu vào và giúp EVN có nguồn lực thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.

Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang được áp dụng theo Quyết định 24/2017, trong đó thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Lần tăng giá điện gần đây nhất là vào tháng 11.2023 với mức tăng 4,5%.

Tại hội nghị tổng kết năm 2023 của EVN, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch EVN cho rằng, nếu tình hình tài chính không sớm cải thiện thì đời sống người lao động ảnh hưởng, nhiều cán bộ lương thấp quá sẽ rời ngành ra đi. Theo EVN, nguyên nhân chính làm tăng chi phí khâu sản xuất điện là do giá nhiên liệu đầu vào (than, dầu, khí...) vẫn ở mức cao hơn nhiều so với các năm trước. Trong khi đó, các chi phí mua điện trên thị trường điện vẫn ở mức cao, chi phí thanh toán tăng so với giá điện theo hợp đồng.

Trong khi đó, theo lãnh đạo EVN, chi phí giá thành sản xuất điện của tập đoàn hiện là 2.092,78 đồng/kWh, nhưng giá bán ra chỉ 1.950 đồng/kWh. Còn giá thành sản xuất mà EVN phải mua điện từ các đơn vị của mình cũng như nguồn bên ngoài xấp xỉ là 1.620 đồng/kWh. Chi phí mua điện đang chiếm 80% chi phí giá thành khiến doanh nghiệp lỗ lũy kế tăng.

Bài liên quan
  • Không để thiếu hụt xăng dầu dịp Tết Nguyên đán
    Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình thị trường xăng dầu thế giới và trong nước; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường. Chủ động có giải pháp từ sớm, từ xa và có phương án bù đắp nguồn cung xăng dầu phù hợp trong mọi tình huống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị tiếp tục tăng giá điện trong năm 2024