Các nước đang phát triển đã đề xuất một quỹ mới là “Tổn thất và Thiệt hại” của Liên hợp quốc dành ít nhất 100 tỷ USD vào năm 2030 để giải quyết những thiệt hại khó tránh do biến đổi khí hậu, khi các nước chuẩn bị thảo luận về việc nước nào sẽ được hỗ trợ và nước nào sẽ đóng góp cho quỹ tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) vào tháng 11 tới tại Dubai (UAE).
Nếu được ra mắt, đây sẽ là khoản ngân quỹ đầu tiên của Liên hợp quốc dành riêng để giải quyết những thiệt hại không thể khắc phục được bởi hạn hán, lũ lụt và mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu gây ra. Mặc dù các quốc gia đã đồng ý tài trợ cho quỹ này vào năm ngoái, nhưng họ đã hoãn lại các quyết định gây tranh cãi nhất, bao gồm cả việc quốc gia nào sẽ đóng góp vào quỹ này.
Tại cuộc họp của ủy ban Liên Hợp Quốc vào tuần trước, các nước đang phát triển bao gồm các nước ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, Châu Á - Thái Bình Dương và các quốc đảo nhỏ, đã đề xuất rằng quỹ thiệt hại khí hậu nên lập chương trình ít nhất 100 tỷ USD vào năm 2030.
Đề xuất cho biết 100 tỷ USD phải là mức "tối thiểu" khi biến đổi khí hậu tác động đến khả năng đối phó của một quốc gia.
Tuy nhiên, các quyết định tại COP28 cần có sự ủng hộ nhất trí từ gần 200 quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc - và đề xuất này trái ngược với quan điểm của một số quốc gia giàu có.
Định nghĩa của Liên hợp quốc về các quốc gia phát triển nên đóng góp vào tài chính khí hậu - có từ những năm 1990 - không bao gồm các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao như UAE, nước đăng cai COP28 năm nay.