IMF đạt mục tiêu huy động 100 tỷ USD cho quỹ khí hậu và nghèo đói

Hồng Tú|25/06/2023 19:40
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đạt được mục tiêu phân bổ lại 100 tỷ USD trong các quỹ của tổ chức này để ứng phó với biến đổi khí hậu và tình trạng nghèo đói tại các nước đang phát triển.

Trả lời phỏng vấn báo giới trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới ở thủ đô Paris (Pháp), bà Kristalina Georgieva Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhấn mạnh IMF đã đạt được mục tiêu huy động 100 tỷ USD trong các quỹ của tổ chức này để ứng phó với biến đổi khí hậu và tình trạng nghèo đói tại các nước đang phát triển. Trước hội nghị, IMF vẫn cần thêm 40 tỷ USD để đạt mục tiêu này.

9882-1687489425-kristalina-georgieva-20230623072805.jpg
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. Ảnh: Reuters

Kế hoạch huy động 100 tỷ USD lần đầu tiên được công bố vào năm 2019, theo đó, các quốc gia giàu sẽ cho IMF vay tính theo Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) để IMF có thể cho các nền kinh tế dễ tổn thương vay. SDR là dạng tài sản dự trữ ngoại hối do IMF đặt ra vào năm 1969 và được phân bổ cho các quốc gia tham gia dựa trên tỷ lệ đóng góp cho ngân sách IMF.

Kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối từ một số nước châu Âu. Trước khi hội nghị diễn ra, Pháp và Nhật Bản cho biết sẽ dành 30% lượng SDR của mình cho mục đích này. SDR là tài sản dự trữ quốc tế do IMF tạo ra để bổ sung vào nguồn dự trữ chính thức của các nước thành viên, và được phân bổ dựa trên sự đóng góp của các nước cho IMF.

Cùng ngày, cũng trong khuôn khổ sự kiện trên, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ các quốc gia chịu ảnh hưởng của thiên tai, bao gồm cả việc hoãn trả nợ cho các quốc gia đi vay.

imf100.jpg
Nhiều quốc gia phải hứng chịu hậu quả nặng nề của thiên tai do biến đổi khí hậu.

Động thái này nhằm tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước thu nhập thấp ứng phó với khủng hoảng, cải cách các hệ thống tài chính sau chiến tranh và giải phóng các quỹ để ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách đạt được sự đồng thuận cấp cao nhất đối với phương thức thúc đẩy triển khai một số sáng kiến đang gặp khó khăn trong các tổ chức như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), IMF, Liên hợp quốc.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhận định các tổ chức tài chính toàn cầu hiện nay quá nhỏ, khả năng thực hiện nhiệm vụ bị hạn chế. Nhìn chung, cấu trúc này đã lỗi thời, chức năng nhiễu loạn và không công bằng, do vậy không làm tròn sứ mệnh cung cấp một mạng lưới an toàn toàn cầu cho các quốc gia đang phát triển.

Hội nghị cấp cao về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới đang diễn ra tại Paris với mục đích tìm kiếm giải pháp tài chính để giúp giải quyết những vấn đề đói nghèo, hạn chế khí thải làm nóng hành tinh, bảo vệ thiên nhiên và biến đổi khí hậu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
IMF đạt mục tiêu huy động 100 tỷ USD cho quỹ khí hậu và nghèo đói