Hiện nước mặn xâm nhập trên các sông chính đang ở mức tương đương đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2015-2016. Dự báo độ mặn sẽ tiếp tục tăng cao và xâm nhập sâu trong tháng 2-2020; độ mặn 4‰ có khả năng xâm nhập cách các cửa sông khoảng 65-68 km, độ mặn 1‰ hầu như đã bao trùm toàn tỉnh Bến Tre
Ngày 15/5, Chi cục trưởng Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang cho biết, việc xây cống trên sông Hàm Luông đoạn qua Tiền Giang không chỉ ngăn mặn, trữ ngọt cho Bến Tre, mà còn vừa hạn chế được lượng nước mặn vào Tiền Giang như năm nay.
Trước đó, tỉnh Bến Tre cũng từng đề xuất dự án này với Tổng cục Thủy lợi.
Sông Hàm Luông dài 70 km, là một phân lưu của sông Tiền, chảy qua tỉnh Bến Tre, lòng sông sâu 12-15 m, rộng 1.200 m-1.500 m trước khi đổ ra biển. Năm nay, độ mặn 4 phần nghìn xâm nhập sâu vào sông Hàm Luông gần 80 km.
Trên sông Ba Lai (ranh giới giữa cù lao Bảo và cù lao An Hóa) đã có hệ thống cống đập Ba Lai nhưng hệ thống sông này chưa được khép kín ở thượng nguồn. Do vậy, thời gian qua nước mặn từ sông Cửa Đại vẫn theo sông Giao Hòa, sông Hàm Luông và kênh Chẹt Sậy đổ vào khiến dòng sông Ba Lai bị nhiễm mặn nghiêm trọng.
Để đảm bảo nước ngọt phục vụ người dân và hoạt động cấp nước của các nhà máy nước, địa phương đã quyết định đắp đập tạm chặn dòng Ba Lai ngay khu vực gần cầu Ba Lai cũ. Đây là một trong những giải pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn sau khi tỉnh có quyết định tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn.
Mùa hạn mặn năm nay đến sớm, sâu bất thường và kéo dài khiến 6 tỉnh gồm Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh chống hạn mặn.
Ngọc Linh (t/h)