Sáng 23/9 tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.
Tóm tắt về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, dự thảo đã bám sát các nhóm chính sách chính theo hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật mà Quốc hội đã thông qua. Các nội dung trọng tâm bao gồm: hoàn thiện các quy định liên quan đến người nộp thuế, thu nhập chịu thuế, các khoản thu nhập được miễn thuế, cách xác định thu nhập tính thuế và phương pháp tính thuế, cũng như điều chỉnh thuế suất cho một số nhóm đối tượng.
Về thu nhập chịu thuế,dự thảo bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam và của doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam là thu nhập có nguồn gốc từ Việt Nam, không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh và chi tiết cụ thể các nguồn thu nhập của nhóm đối tượng này để đảm bảo tính minh bạch, cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cũng cho biết, dự thảo Luật đề xuất thêm quy định về kỳ tính thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập từ các hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số, không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh. Quy định này sẽ áp dụng theo pháp luật về quản lý thuế hiện hành.
Ngoài ra, dự thảo còn đề xuất mức thuế suất ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ. Cụ thể, các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng sẽ được áp dụng mức thuế suất 15%, còn với doanh nghiệp có doanh thu từ 3 tỷ đến 50 tỷ đồng thì thuế suất sẽ là 17%.
Trong báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật, ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng quy định mở rộng phạm vi thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, thông qua việc xác định “không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh”, là một bước tiến quan trọng.
Tuy nhiên, ông Mạnh lưu ý, quy định này vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề thu thuế từ các nhà cung cấp nước ngoài trên nền tảng thương mại điện tử. Lý do là hầu hết các nhà cung cấp này đều cư trú tại các quốc gia đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam, nên quyền thu thuế của Việt Nam chỉ giới hạn ở thu nhập phát sinh tại Việt Nam từ các doanh nghiệp có cơ sở thường trú.
Do đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cần nghiên cứu thêm các giải pháp để tăng cường hiệu quả thu thuế từ các nhà cung cấp nước ngoài trên nền tảng thương mại điện tử, ví dụ như thu thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu phát sinh tại Việt Nam, trong đó có các hoạt động chuyển nhượng chứng khoán (0,1%) và chuyển nhượng vốn (2%).
Phòng chống trốn thuế, thất thu thuế
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm kịp thời khắc phục những bất cập của luật hiện hành liên quan đến thu nhập miễn thuế, thu nhập chịu thuế, các khoản chi phí được trừ và không được trừ.
Tuy nhiên, qua Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phạm vi sửa đổi phải có tính chất toàn diện hơn; đồng thời, phải lý giải kỹ, thuyết phục Quốc hội vì sao phải sửa, sửa cái gì, sửa như thế nào. Quan điểm là vướng cái gì thì sửa ngay trên cơ sở nội dung nào đã chín, đã rõ thì sửa ngay, nội dung nào chưa chín, chưa rõ thì nghiên cứu.
"Sửa cái mới phải tốt hơn cái cũ, tránh tình trạng sửa cái mới nhưng khi thực hiện lại thà rằng để cái cũ lại hay hơn", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và một lần nữa yêu cầu công tác xây dựng luật phải rất công phu, bài bản.
Đối với dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Ủy ban Tài chính, Ngân sách phải làm song song với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp bởi đây là luật rất quan trọng, có liên quan đến cả trong nước và nước ngoài.
“Mục tiêu cuối cùng của luật là bảo đảm nguồn thu ngân sách ổn định, nâng cao tỷ lệ động viên thu nội địa, khắc phục tình trạng chuyển giá, phòng chống trốn thuế, thất thu thuế, hạn chế các hành vi làm xói mòn cơ sở thuế; bảo đảm công bằng hệ thống thuế Việt Nam phù hợp với yêu cầu thực tiễn xu thế và thông lệ quốc tế”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu làm tích cực, chất lượng thì có thể trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, nếu không thì có thể trình tại Kỳ họp sau. "Tinh thần là đổi mới cách làm luật với tư duy mới, quan điểm mới, cái gì thuộc phạm vi Quốc hội thì Quốc hội quy định, cái gì thuộc Chính phủ (nghị định, thông tư) thì Chính phủ ban hành thực hiện. Ở tầm nghị định, thông tư khi sửa sẽ nhanh hơn luật".
Đề xuất mức ưu đãi thuế cho báo in, báo điện tử
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in. Riêng báo in tiếp tục áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% như quy định hiện hành.
Quan tâm đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hiện các cơ quan báo in đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là 10%, còn cơ quan báo điện tử thì không được ưu đãi nên rất khó khăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng các cơ quan báo chí dù là báo in, báo điện tử hay truyền hình, phát thanh đều là báo chí cách mạng, là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các cơ quan nhà nước. Hiện tại, thu nhập của các cơ quan báo chí chủ yếu phụ thuộc vào quảng cáo; tuy nhiên, “miếng bánh quảng cáo” cũng đang bị thu hẹp, khiến cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn.
"Chúng tôi đề nghị một mức ưu đãi thuế thu nhập chung cho báo in, báo điện tử và các loại hình báo chí khác như đang áp dụng cho báo in hiện nay", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh kiến nghị.
Bảo đảm tính công bằng và hiệu quả trong thu thuế
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần tiếp tục nghiên cứu cách tiếp cận mới trong việc xây dựng luật về thuế để bảo đảm tính ổn định, vì không chỉ có Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp mà sắp tới còn rất nhiều các luật liên quan đến thuế cần phải sửa đổi.
Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, thông lệ quốc tế, các nước thường ưu tiên đánh thuế trực thu hơn là gián thu. Tuy nhiên, với tình hình thực tế tại Việt Nam, việc thu thuế cần được thực hiện công bằng, tránh tình trạng thất thu hoặc trốn thuế.
Ông Thanh cũng lưu ý, trong quá trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, cần có sự đánh giá kỹ lưỡng về các quy định hiện hành, từ đó xây dựng các giải pháp phù hợp để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh phát triển kinh tế số.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần nghiên cứu toàn diện các sắc thuế để bảo đảm tính công bằng và minh bạch.
“Việc xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) cần tiếp cận từ góc nhìn tổng thể, đánh giá tác động của từng chính sách cụ thể để bảo đảm hiệu quả thực thi”, ông Phương nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ khắc phục bất cập hiện hành. Theo ông, đây là một vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, quá trình xây dựng luật cần đảm bảo các chính sách không chỉ giúp tăng nguồn thu ngân sách mà còn phải công bằng, phù hợp với xu hướng phát triển và thông lệ quốc tế. Việc ưu đãi thuế cho doanh nghiệp là cần thiết, nhưng phải đi kèm với các quy định rõ ràng, cụ thể, bảo đảm tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn.