Cụ thể, bảo trì công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung là tập hợp các công việc nhằm bảo đảm và duy trì sự làm việc bình thường, an toàn của công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung theo quy định của thiết kế trong quá trình khai thác, sử dụng.
Nội dung bảo trì công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các công việc sau: kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng và sửa chữa công trình; bổ sung, thay thế hạng mục, thiết bị công trình để việc khai thác sử dụng công trình đảm bảo an toàn nhưng không bao gồm các hoạt động làm thay đổi công năng, quy mô công trình.
Công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung khi đưa vào khai thác, sử dụng phải được bảo trì theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, quy định về cấp nước sạch nông thôn tập trung và các quy định tại Thông tư này.
Bảo trì công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung phải thực hiện theo kế hoạch bảo trì hàng năm và quy trình bảo trì, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo trì công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc công bố áp dụng và bảo đảm cấp nước an toàn;
Quy trình bảo trì công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được lập phù hợp với các bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình và loại công trình (công trình khai thác nước, công trình xử lý nước, mạng lưới đường ống cung cấp nước sạch, thiết bị đo đếm nước, các công trình phụ trợ có liên quan).
Theo dự thảo, cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản hoặc tổ chức, cá nhân quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung thực hiện kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa công trình theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định 06/2021/NĐ-CP và kế hoạch bảo trì được phê duyệt.
Kiểm tra công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung: Theo dự thảo, kiểm tra công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung thực hiện theo quy định tại tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 06/2021/NĐ-CP.
Căn cứ vào kế hoạch bảo trì hàng năm và quy trình bảo trì được phê duyệt, tổ chức, cá nhân quản lý khai thác công trình tổ chức thực hiện việc kiểm tra công trình, hạng mục công trình, máy móc, thiết bị và lập báo cáo kết quả kiểm tra bao gồm hiện trạng về công trình, hạng mục công trình, máy móc, thiết bị và đề xuất, kiến nghị (nếu có) trên cơ sở kết quả kiểm tra.
Kiểm tra công trình cấp nước sạch nông thôn tập có thể bằng trực quan, bằng các số liệu quan trắc thường xuyên (nếu có) hoặc bằng thiết bị chuyên dụng.
Kiểm tra công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung bao gồm kiểm tra theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình bảo trì được duyệt; kiểm tra thường xuyên, định kỳ và đột xuất nhằm phát hiện các dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng của công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình làm cơ sở cho việc bảo trì công trình;
Căn cứ vào kế hoạch bảo trì hàng năm và quy trình bảo trì được phê duyệt, tổ chức, cá nhân quản lý khai thác tổ chức thực hiện việc bảo dưỡng.
Cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản tổ chức kiểm tra, nghiệm thu công tác bảo dưỡng và chất lượng thực hiện công tác bảo dưỡng. Kết quả thực hiện công tác bảo dưỡng phải được ghi chép và lập hồ sơ lưu trữ theo quy định.
Công tác bảo dưỡng công trình sử dụng lực lượng công nhân tại chỗ của tổ chức, cá nhân quản lý khai thác để thực hiện.
Nội dung thực hiện bao gồm một số công tác chính như tra dầu mỡ, vệ sinh công nghiệp máy móc, thiết bị lắp đặt, đường ống trên hệ thống; trát trít những vị trí nứt nẻ; thau rửa các bể chứa, vớt rong rêu và các nội dung khác theo quy định của nhà sản xuất hoặc quy trình bảo trì.
Cũng theo Dự thảo, việc sửa chữa định kỳ công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung thực hiện theo điểm a khoản 4 Điều 33 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.
Căn cứ vào kế hoạch bảo trì và quy trình bảo trì được phê duyệt, tổ chức, cá nhân quản lý khai thác công trình tổ chức thực hiện công tác sửa chữa, lập báo cáo kết quả sửa chữa định kỳ.
Cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản kiểm tra, giám sát, nghiệm thu công tác sửa chữa. Tổng hợp, lưu trữ hồ sơ theo quy định.
Các hoạt động sửa chữa thực hiện theo chu kỳ quản lý khai thác sử dụng theo các quy định của nhà sản xuất, lắp đặt hoặc các tiêu chuẩn, quy trình bảo trì để thay thế các thiết bị, bộ phận thiết bị cơ khí, hệ thống thiết bị điện, thiết bị lắp đặt vào công trình; sửa chữa hư hỏng kết cấu công trình.
Sửa chữa định kỳ công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo trì công trình xây dựng, đầu tư xây dựng, pháp luật về đấu thầu và các quy định khác có liên quan.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề cập đến việc sửa chữa đột xuất công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung thực hiện theo điểm b khoản 4 Điều 33 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.
Đối với công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung sử dụng vốn ngân sách nhà nước: khi công trình, bộ phận công trình, máy móc, thiết bị bị hư hỏng do chịu các tác động đột xuất dẫn đến công trình có nguy cơ sập đổ, gián đoạn cấp nước cần phải sửa chữa khẩn cấp mà không có trong kế hoạch bảo trì được phê duyệt, tổ chức, cá nhân quản lý khai thác công trình báo cáo cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản về sự cố, tổ chức thực hiện các giải pháp cấp bách để khắc phục sự cố; tổ chức lập, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc dự án đầu tư các hạng mục sửa chữa đột xuất; tổ chức thực hiện và hoàn thiện hạng mục sửa chữa đột xuất nhằm đảm bảo cấp nước và an toàn công trình.
Tổ chức, cá nhân quản lý khai thác công trình chịu trách nhiệm về việc sử dụng kinh phí, phương thức thực hiện và hoàn thiện hồ sơ theo quy định đối với trường hợp sửa chữa đột xuất tại quy định trên; báo cáo cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bảo trì hàng năm.