Nhiều công trình cấp nước sạch tại Thừa Thiên - Huế phát huy hiệu quả

Hoàng Linh|13/09/2023 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), nhiều công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu trong sản xuất, đời sống của người dân đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Cụ thể, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 5 công trình nước sinh hoạt đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, như: Hệ thống nước sạch xã Trung Sơn (nối tiếp), huyện A Lưới; hệ thống nước sinh hoạt từ UBND xã Hồng Vân đến các thôn A Năm, A Hố, Ka Cú 2, trường tiểu học, mầm non, trường cấp 2, cấp 3; mở rộng công trình nước sinh hoạt thôn Ka Cú 2, Ka Cú 1, Kê, xã Hồng Vân, huyện A Lưới và nâng cấp, sửa chữa hệ thống thoát nước sinh hoạt thôn Bồ Hòn, xã Bình thành, thị xã Hương Trà.

Trong năm 2022 đến năm 2023 có 80 công trình dự án được đầu tư xây dựng. Trong đó, có 45 công trình đường giao thông vào các khu sản xuất, đường dân sinh… với số vốn phân khai là 56.230 triệu đồng; 5 công trình nước sinh hoạt tập trung với số vốn phân khai là 6.458 triệu đồng; 8 công trình kênh mương với số vốn phân khai là 7.750 triệu đồng; 8 công trình liên quan đến giáo dục với số vốn phân khai là 25.393 triệu đồng; 7 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng với số vốn phân khai là 6.875 triệu đồng; 2 dự án làng văn hóa các DTTS với số vốn phân khai là 21.293 triệu đồng; 3 dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư với số vốn phân khai là 44.347 triệu đồng; 1 công trình biểu tượng đường Hồ Chí Minh với số vốn phân khai là 1.637 triệu đồng và 1 công trình san lấp mặt bằng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư với số vốn phân khai là 1.500 triệu đồng.

con-trinh-nuoc-sach.jpg
Có nước sạch giúp ổn định đời sống, sản xuất của người dân và cải thiện bộ mặt nhiều địa phương của tỉnh Thừa Thiên - Huế

Sau khi được phân bổ nguồn vốn, cả hệ thống chính trị tại địa phương đã khẩn trương triển khai các nội dung, tiến tới giải ngân để phát huy nguồn vốn đầu tư. Riêng nguồn vốn đầu tư phát triển, các công trình đồng loạt được khởi công xây dựng. Sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều công trình hoàn công, đưa vào sử dụng.

Có mặt tại thôn Ta Lo A Hố, xã Hồng Vân, huyện A Lưới, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, công trình nước sạch đã được nghiệm thu, năm 2023 và đưa vào sử dụng. Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

Chị Lê Thị Xi, thôn Ta Lo A Hố, xã Hồng Vân, huyện A Lưới nói: “Gia đình tôi trước đây phải mua ống kéo nước từ khe Tầng-hir và lấy nước từ suối A Lin, cách nhà tầm 4km để sử dụng. Từ ngày có hệ thống nước sạch, gia đình tôi rất vui mừng vì từ nay không phải vất vả trong vấn đề tìm nước sinh hoạt nữa. Những công việc như giặt giũ, tắm rửa, sinh hoạt hằng ngày trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn”.

Ông Nguyễn Hữu Loài, cán bộ Địa chính, Xây dựng môi trường xã Hồng Vân cho biết: Sau nhiều tháng thị công, đến tháng 4/2023, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, cấp nước sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh cho nhiều hộ dân tại xã Hồng Vân, đa số các hộ dân ở đây đều là người Cơ Tu. Chương trình MTQG 1719 đã đầu tư xây dựng công trình nước tập trung khiến bà con rất phấn khởi. Đây là công trình rất thiết thực, có ý nghĩa dân sinh lớn”.

Tại xã Trung Sơn, hệ thống cấp nước sinh hoạt cho gần 30 hộ dân thôn A Leng, Lê Triêng, Thôn 1, Thôn 2 cũng đã được xây dựng và đưa vào sử dụng với các hạng mục như: xây dựng dập dâng nước, xây dựng tuyến ống, bể chứa… với tổng nguồn vốn 3.914 triệu đồng. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống cho người dân thôn A Leng, Lê Triêng, Thôn 1, Thôn 2 và các thôn lân cận ngày càng được nâng cao; góp phần thúc đẩy sự phát triển khu du lịch suối Tà Riềng, xã Trung Sơn.

Tổng nguồn vốn thực hiện Dự án 4, Chương trình MTQG 1719 theo kế hoạch giai đoạn 2021-2023 là 422.402 triệu đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển là 213.982 triệu đồng (năm 2022 là 93.550 triệu đồng và năm 2023 là 120.432 triệu đồng); vốn sự nghiệp là 156.586 triệu đồng (năm 2022 là 35.630 triệu đồng và năm 2023 là 120.956 triệu đồng); ngân sách địa phương nguồn đầu tư phát triển là 3.984 triệu đồng; nguồn tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 là 47.850 triệu đồng (năm 2022 là 28.950 triệu đồng và năm 2023 là 18.900 triệu đồng). Trong đó, bố trí nguồn Kinh tế hạ tầng vùng ĐBDTTS&MN với các công trình đường giao thông vào các khu sản xuất, đường dân sinh, công trình kênh mương số vốn 63.980 triệu đồng.

Ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Sau khi thực hiện các dự án với nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Từ đời sống, sinh hoạt hằng ngày đến đường giao thông đi lại giữa các thôn, bản, vùng đặc biệt khó khăn; các tuyến đường vào các khu sản xuất, giúp quá trình lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện đi lại cho người dân và các sản phẩm nông nghiệp đến được với các doanh nghiệp, tăng thu nhập trong Nhân dân. Cùng với nguồn vốn đầu tư phát triển, nguồn vốn phát triển sự nghiệp cũng đã và đang tạo ra nhiều sinh kế để đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều công trình cấp nước sạch tại Thừa Thiên - Huế phát huy hiệu quả