Tham dự Hội thảo có các chuyên gia nghiên cứu, nhà khoa học trong lĩnh vực nước sạch và môi trường nông thôn, lãnh đạo Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, đại biểu một số Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể của tỉnh Thái Nguyên, đại diện một số đơn vị cấp huyện, các tổ chức tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, những nhà quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Hoàng Cường Quốc – Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cho biết: Công tác quản lý, vận hành các công trình cấp nước sạch đã và đang xuất hiện nhiều bất cập vì rất nhiều các công trình đã được xây dựng từ 10 đến 20 năm, đến nay dưới sức ép của việc phát triển mạnh của các ngành kinh tế và gia tăng dân số, cùng với tác động của biến đổi khí hậu, lũ lụt làm xói lở đất đã làm cho các công trình càng xuống cấp hơn. Nhiều vấn đề về tài nguyên nước trước đây chỉ tiềm ẩn ở dạng nguy cơ thì đã trở thành hiện thực, đang làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên khó lường, dẫn đến công tác quản lý, vận hành các công trình cấp nước sạch càng gặp khó khăn hơn.
Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Trường - Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và VSMT nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: Theo số liệu của Bộ chỉ số theo dõi đánh giá chất lượng nước sạch, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có tổng cộng 254 công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn, trong đó: các công trình do Đơn vị sự nghiệp quản lý 28 công trình; do UBND xã giao cho cộng đồng quản lý 217 công trình; do hợp tác xã quản lý 5 công trình ; do doanh nghiệp tư nhân quản lý 4 công trình. Việc quản lý vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đảm bảo mục tiêu đầu tư, hiệu quả và bền vững luôn là vấn đề khá nan giải, các đơn vị được giao quản lý cũng như các Sở, ngành rất quan tâm.
Trao đổi tại Hội thảo, ông Trần Nho Hưởng – Phó Chánh Văn phòng Chuyên trách Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết: Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được trên 10 năm với nhiều kết quả quan trọng; tuy nhiên, trong 19 tiêu chí thì tiêu chí số 17 về môi trường là một tiêu chí rất khó đạt chuẩn, nhất là đảm bảo tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch. Vì vậy công tác quản lý, vận hành các công trình cấp nước sạch trong xây dựng Nông thôn mới càng đặt ra yêu cầu cấp thiết cùng với việc hoàn thành bộ tiêu chí quốc gia.
Một số khó khăn trong công tác quản lý vận hành các công trình cấp nước được nêu ra trong Hội thảo như:
- Các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được đầu tư từ nhiều Chương trình, nguồn vốn khác nhau như: Chương trình 134,135, 1592 kéo dài, Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và từ các nguồn tài trợ từ các tổ chức nước ngoài… Trong đó có nhiều công trình đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ khá lâu, các hạng mục công trình dần xuống cấp không còn đáp ứng được mục tiêu cấp nước như ban đầu.
- Những năm qua do biến đổi khí hậu đã làm suy giảm nguồn nước, nhất là vào mùa khô ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho các công trình kể cả nước mặt và nước ngầm.
- Trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội nói chung, việc hình thành hàng loạt các công trình hạ tầng kinh tế và xã hội, phát triển nhanh mạng lưới giao thông nông thôn, nhiều công trình thủy lợi được nâng cấp và xây dựng mới ít nhiều ảnh hưởng đến công tác cấp nước của các công trình.
- Một số bộ phận người dân nông thôn chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của nước sạch trong sinh hoạt, cũng như chưa có ý thức bảo vệ nguồn nước, bảo vệ các hạng mục các công trình.
- Rất nhiều công trình cấp nước tập trung đang ở tình trạng thu không đủ bù chi dẫn đến việc quản lý vận hành, theo dõi và duy tu bảo dưỡng không kịp thời thậm chí thiếu trách nhiệm làm cho công trình nhanh xuống cấp và không phát huy hiệu quả, mục tiêu cấp nước cho cộng đồng dân cư.
- Nhiều công trình cấp nước tập trung giao cho UBND cấp xã quản lý chưa phát huy hiệu quả hoặc hoạt động kém do cán bộ quản lý vận hành còn hạn chế về chuyên môn kỹ thuật và năng lực quản lý.
- Một số cơ chế chính sách trong công tác cấp nước nông thôn còn khó thực hiện nhất là đối với những công trình giao cho UBND cấp xã quản lý. Ví dụ như việc xây dựng phương án giá bán nước trình cấp thẩm quyền phê duyệt, hay thực hiện công tác xét nghiệm chất lượng nước định kỳ theo thông tư 41/2018 của Bộ Y tế.
- Nguồn vốn bố trí để duy tu, sửa chữa nâng cấp công trình còn hạn chế, chưa đáp ứng với điều kiện thực tế của cấp nước sinh hoạt nông thôn.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Dương Văn Hào - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: Với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025 sẽ đạt được mục tiêu là 98% số người dân ở khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung các nguồn lực để cho người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư 108 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa đối với 23 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các địa phương đang xây dựng nông thôn mới.
Tham luận về công tác vận động phụ nữ tham gia bảo vệ nguồn nước sạch trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, bà Hứa Thị Châu Giang - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước, quản lý, vận hành các công trình cấp nước sạch đến hội viên thông qua tổ chức các hoạt động truyền thông, hưởng ứng lễ phát động, các hội nghị, hội thảo, tập huấn và qua các phương tiện thông tin truyền thông của tỉnh, của đơn vị. Ngoài ra đã tổ chức tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của đơn vị, phổ biến các quy định liên quan đến bảo vệ, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước… Qua đó từng bước nâng cao nhận thức của hội viên và của người dân đối với việc quản lý, vận hành các công trình cấp nước trên địa bàn.
Mặc dù vậy, vẫn còn tình trạng quản lý công trình sau đầu tư chưa tốt ở một số xã, xóm do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan đã gây nên hỏng hóc công trình và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, không đủ nước sạch phục vụ mục đích sinh hoạt của người dân như: Chưa có phương án sửa chữa, bảo trì bảo dưỡng các công trình nước đang khai thác vẫn xảy ra sự cố, không thể sử dụng. Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, các công trình cấp nước của một bộ phận người dân, một số doanh nghiệp chưa cao, còn hiện tượng vứt rác thải, xả nước thải chưa qua xử lý vào nguồn nước; tự ý đấu nối trước đồng hồ gây thất thoát nước; vẫn còn hiện tượng sử dụng nước lãng phí, khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt, nước dưới đất không đúng quy định.
TS. Lê Văn Căn – Nguyên Giám đốc Trung tâm Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cho rằng: Do những điều kiện địa lý, địa hình, kinh tế xã hội và quy mô, công nghệ, các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn (CNSTTNT) đang được quản lý theo các mô hình tổ chức khác nhau, ngay trong một tỉnh.. Những mô hình phổ biến hiện hành gồm có: Cá nhân, Hợp tác xã, Uỷ ban nhân dân xã, cộng đồng, đơn vị sự nghiệp công lập (Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Ban quản lý công trình hạ tầng huyện), doanh nghiệp (DN tư nhân, công ty TNHH, Công ty cổ phần,....). Hiện nay, phương thức quản lý đã từng bước đi lên từ phục vụ đến dịch vụ với chất lượng dịch vụ ngày càng tiến bộ, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người dân nông thôn. Nhiều địa phương đã có được sự đồng tình của người sử dụng nước theo nguyên tắc giá nước phải trả phù hợp với chất lượng dịch vụ của đơn vị cấp nước. Hiện tại một số mô hình quản lý còn phù hợp, tuy nhiên khi đời sống kinh tế của người dân tăng cao hơn, mô hình quản lý hàng hoá - dịch vụ có thể được áp dụng rộng rãi. Quyền và lợi ích hợp pháp của cả đơn vị quản lý và người sử dụng nước từng bước được bảo đảm. Đã hình thành một đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân quản lý vận hành có tay nghề đủ năng lực đảm nhận được việc quản lý vận hành công trình CNSTTNT có công nghệ tiên tiến, từng bước tiến lên hiện đại tại một số địa phương.
Sau thời gian trao đổi, đóng góp ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu đã thống nhất đề xuất một số giải pháp quản lý, vận hành các công trình cấp nước sạch trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên như sau:
Một là, Phải thực hiện đầy đủ các quy phạm pháp luật của Nhà nước, quy định của tỉnh về quản lý, bảo vệ nguồn nước từ khâu sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng, để xác định trách nhiệm cụ thể, nhất là đơn vị sản xuất, kinh doanh nước sạch; đầu tư thêm trang thiết bị quan trắc, đánh giá các nguồn nước.
Hai là, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân về trách nhiệm tôn trọng pháp Luật Bảo vệ công trình cấp nước; đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền về pháp luật và quy trình quản lý vận hành, khai thác các nguồn nước; hướng dẫn người dân sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nước sạch.
Ba là, Đề nghị UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để bảo dưỡng, duy tu thường xuyên, tránh để hỏng nặng mới sửa rất tốn kém và dân không có nước dùng ổn định.
Bốn là, Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo sự phối hợp thường xuyên của các ngành, các cấp và cơ sở để bảo vệ nguồn nước an toàn theo quy hoạch quản lý, khai thác sử dụng, bảo vệ an toàn nguồn nước đã được phê duyệt.
Năm là, Xác định cơ sở pháp lý bảo vệ nguồn nước như vấn đề bảo vệ an ninh lương thực, an ninh mạng; đồng thời có chế tài để xử phạt các vi phạm về bảo vệ các công trình cấp nước.
Sáu là, Tiến hành nghiên cứu mô hình quản lý của một số tỉnh, kết hợp đánh giá các mô hình quản lý hiện có của tỉnh để có giải pháp tổng thể cho công tác quản lý, vận hành các công trình cấp nước sạch trong xây dựng NTM hiệu quả hơn.