Theo Sở GTVT, đề án kiểm tra khí thải qua hai giai đoạn, gồm giai đoạn chuẩn bị (2021-2022): TP thực hiện tuyên truyền, vận động sâu rộng trên địa bàn toàn TP về chính sách kiểm soát khí thải.
Đến giai đoạn thử nghiệm (2023 – 2024): TP thực hiện kiểm tra khí thải toàn bộ xe máy đang lưu hành trên địa bàn. Giai đoạn này bắt đầu phân vùng các khu vực theo tiêu chuẩn khí thải và áp dụng cho xe từ 5 năm trở lên ở khu vực quận 1, 3, 5 cho phép xe có khí thải đạt mức 2 của TCVN6438-2018 được lưu thông; các xe vi phạm mức này vẫn cho lưu thông nhưng bị phạt hành chính.
Ảnh minh họa.
Tại hội nghị, ông Đinh Trọng Khang, Phó giám đốc Viện môi trường Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, cho biết TP.HCM hiện có 7,4 triệu xe mô tô, xe máy. Lượng xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm tỉ lệ 67,89% (tỉ lệ này lớn hơn ở Hà Nội). Nếu thực hiện chính sách kiểm soát khí thải thì hàng năm TP.HCM giảm được 13,1% tổng lượng CO phát thải; 13,8% tổng lượng HC phát thải, giảm 122.844 tấn CO2.
Theo ông Khang, mức phí kiểm tra khí thải là 50.000 đồng/xe/năm; miễn phí kiểm tra khí thải cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo (có xác nhận của địa phương) và có cơ chế hỗ trợ người dân thay thế xe cũ không đạt chuẩn khí thải.
Dự kiến nguồn phí thu được từ đề án và phương án đầu tư ở giai đoạn 2023 – 2024 với 6,9 triệu xe thu được 348 tỉ đồng; giai đoạn 2025 trở đi mỗi năm thu khoảng 299 tỉ đồng (5,9 triệu xe).
TP HCM hiện có hơn 7,4 triệu xe máy, trong đó xe sử dụng trên 10 năm chiếm gần 68%, cao hơn Hà Nội. Khí CO (cacbon monoxit) và HC (hydrocarbon) có hại cho sức khỏe, phát ra từ xe máy chiếm 90% tổng các loại xe cơ giới tại thành phố. Đề án kiểm soát khí thải xe máy tính toán khi áp dụng, TP HCM có thể giảm 13% khí CO và gần 14% khí HC thải ra môi trường.
Hoàng Minh