Theo một nghiên cứu do tổ chức 5 Gyres Institute (Mỹ) thực hiện, đã công bố ngày vào ngày 8/3. Nghiên cứu nhận định rác thải nhựa đổ ra các đại dương trên thế giới đã tăng lên với số lượng “chưa từng có” kể từ năm 2005.
Tình trạng ô nhiễm nhựa trên đại dương có thể tăng gấp 2,6 lần vào năm 2040 nếu các chính sách ràng buộc về mặt pháp lý trên toàn cầu không được đưa ra. Tổ chức này ước tính, đã có khoảng 171 nghìn tỷ hạt nhựa trôi nổi trên các đại dương vào năm 2019.
Thực tế này đòi hỏi một hiệp ước toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý để ngăn chặn vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa từ gốc rễ. Hạt vi nhựa đặc biệt gây nguy hiểm cho các đại dương, không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước mà còn phá hủy nội tạng các động vật biển khi chúng vô tình nuốt phải. Các chuyên gia cho rằng nghiên cứu này đã chỉ ra rằng tình trạng ô nhiễm nhựa trong các đại dương chưa được đánh giá đúng mức.
Ông Paul Harvey, nhà khoa học và chuyên gia về nhựa thuộc Environmental Science Solutions, công ty tư vấn của Australia tập trung vào việc giảm ô nhiễm cho biết, những con số trong nghiên cứu mới này là một hiện tượng đáng kinh ngạc.
Liên Hợp Quốc cũng đã khởi động các cuộc đàm phán về một thỏa thuận giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa ở Uruguay hồi tháng 11/2022, với mục đích soạn thảo một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý vào cuối năm tới.
Tổ chức môi trường Greenpeace cho biết nếu không có một hiệp ước toàn cầu mạnh mẽ, lượng nhựa có thể tăng gấp đôi trong vòng 10 đến 15 năm tới và tăng gấp ba lần vào năm 2050. Ngày 4/3, các nước thành viên của Liên Hợp Quốc đã thông qua văn bản của hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm bảo vệ vùng biển quốc tế sau nhiều năm đàm phán.