Việt Nam và Singapore dự kiến sẽ là hai quốc gia đầu tiên triển khai công nghệ 5G ở khu vực Đông Nam Á vào năm 2020 – 2021.
Đại diện Công ty Cisco Việt Nam cho biết, khi mới bắt đầu triển khai, tỷ lệ thâm nhập thị trường của Việt Nam thấp hơn một số nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tại Việt Nam dự kiến sẽ nhanh hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Việt Nam đứng thứ sáu về số lượng thuê bao 5G tính đến 2025 tại ASEAN.
Triển khai dịch vụ 5G có thể giúp các công ty khai thác viễn thông Việt Nam tăng doanh thu thêm 300 triệu USD mỗi năm tính từ 2025. Tuy nhiên, theo ông Naveen Menon, Chủ tịch Cisco khu vực ASEAN, các nhà khai thác viễn thông cũng phải đầu tư khá lớn cho 5G, trong đó Việt Nam cần chi số tiền khoảng 1,5 – 2,5 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2025.
Hãng tư vấn A.T. Kearney nhận định, công nghệ 5G có tốc độ nhanh gấp 50 lần, độ trễ cực thấp và mức tiêu thụ năng lượng cho kết nối mạng không cao so với kết nối 4G. Tốc độ cao, độ trễ thấp sẽ giúp các nhà mạng cung cấp kết nối Internet siêu nhanh, truyền phát video độ phân giải cao, dịch vụ giải trí trên điện toán đám mây, nội dung tương tác dựa trên ứng dụng thực tế ảo tăng cường (AR/VR) tới người tiêu dùng. Họ cũng có thể thương mại hóa các mô hình dịch vụ và ứng dụng mới của mạng 5G như thành phố thông minh, các ứng dụng Internet vạn vật (IoT) quy mô lớn…
5G là viết tắt của từ 5th Generation – thế hệ thứ 5 của mạng di động. Theo các chuyên gia, công nghệ 5G cho tốc độ nhanh gấp 50 lần so với công nghệ 4G. Ngoài ra, công nghệ 5G độ trễ cực thấp và mức tiêu thụ năng lượng cho kết nối mạng không cao so với kết nối 4G.
Tốc độ cao, độ trễ thấp là cơ sở để các nhà mạng cung cấp các dịch vụ kết nối internet siêu nhanh, truyền phát video có độ phân giải cao, dịch vụ giải trí trên điện toán đám mây, nội dung tương tác dựa trên ứng dụng thực tế ảo tăng cường tới người tiêu dùng. Công nghệ 5G là nền tảng cho các ứng dụng internet kết nối vạn vật (IoT) quy mô lớn phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử.
Tuy vậy, để khai thác tiềm năng của 5G, khu vực ASEAN cũng cần giải quyết một số thách thức chính. Đầu tiên là sự chậm trễ giải phóng và cung cấp phổ tần dành cho dịch vụ 5G, khiến việc triển khai mạng lưới không được tối ưu hóa. Thứ hai, nhà mạng cần xây dựng cẩn thận danh mục các dịch vụ và giá cả cho 5G nhằm khuyến khích và hướng người dùng sang mạng tốc độ cao, tránh thảm hoạ của cuộc chiến về giá chỉ để thu hút nhiều thuê bao hơn. Thứ ba, về phía doanh nghiệp, nhà mạng cần tạo ra những khả năng mới và kết hợp các kết nối nâng cao với các giải pháp và ứng dụng để giúp khách hàng hiểu, thực hiện và mở rộng các dịch vụ giá trị gia tăng.
Minh Anh (T/h)