Dịch châu chấu, vốn đang đẩy hàng triệu người châu Phi vào cuộc khủng hoảng an ninh lương thực, đang trên đường tràn đến các khu vực phía Nam của Trung Quốc gồm: tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên và khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây. Hiện vùng biên giới giữa khu tự trị Tây Tạng với các nước Pakistan, Ấn Độ và Nepal đang bị châu chấu tấn công và sinh sản nhanh chóng với số lượng có thể tăng gấp 500 lần số lượng hiện tại vào tháng 6.
Theo các nhà nghiên cứu tại Viện Bảo vệ Thực vật thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, các tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên, cũng như khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, rất có thể bị ảnh hưởng bởi nạn châu chấu.
“Rất khó có khả năng châu chấu sa mạc di cư vào khu vực nội địa của Trung Quốc, nhưng nếu bệnh dịch châu chấu sa mạc ở nước ngoài vẫn tồn tại, xác suất châu chấu xâm nhập vào Trung Quốc vào tháng 6 hoặc tháng 7 sẽ tăng mạnh”, ông Zhang Zehua nói.
Ông cho biết vùng biên giới giữa khu tự trị Tây Tạng và Pakistan, Ấn Độ hay Nepal là khu vực có châu chấu sa mạc trải rộng. Tuy nhiên, cao nguyên Tây Tạng có thể hoạt động như một lá chắn, do đó, cơ hội châu chấu có thể tấn công sâu vào các khu vực nội địa của Trung Quốc khá nhỏ.
Ông cũng tin rằng châu chấu sa mạc sẽ không ngay lập tức đe dọa đến sản xuất nông nghiệp ở Trung Quốc do hệ thống phòng ngừa của quốc gia này.
Hiện khoảng 100.000 con vịt đang được tập trung để chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp nhất trước nguy cơ 400 tỷ con châu chấu có thể đổ bộ vào Trung Quốc.
Đàn châu chấu sa mạc phá hủy một vùng đất chăn thả gia súc ở Samburu, Kenya hôm 17/1. Ảnh: Reuters.
Tháng 1, những con châu chấu đã xuất hiện ở Djibouti và Eritrea và hiện đang lan sang Tanzania và Uganda, đe dọa an ninh lương thực và sinh kế của hàng triệu người. Sự phá hoại đã được gọi là tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ khi những con côn trùng càn quét đồng cỏ và mùa màng chỉ vài giờ sau khi đến một địa điểm, theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc.
Theo Liên Hợp Quốc, châu chấu sa mạc là một trong những “loài di cư nguy hiểm nhất thế giới”. Một con châu chấu đơn lẻ có thể bay được 150 km, và một đàn nhỏ có thể lấy đi lượng thức ăn đủ cho 35.000 người trong một ngày.
Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo rằng đàn châu chấu sa mạc đang sinh sản nhanh chóng trong khu vực, khiến chúng có thể tăng gấp 500 lần số lượng hiện tại vào tháng 6 nếu không được kiểm soát.
Trước đó đã có 5 dịch châu chấu sa mạc lớn trong những năm 1990, nạn dịch cuối cùng đã diễn ra hồi những năm 1987-1989 và đợt bộc phát lớn cuối cùng của loài côn trùng này là những năm 2003-2005.
Châu chấu sa mạc (Schistocerca gregaria) được xem là loài phá hoại sản xuất nông nghiệp trong nhiều thế kỷ. Chúng phân bố rộng khắp châu Phi, châu Á và khu vực Trung Đông. Loài côn trùng này có thể phát triển từ 2 đến 5 lứa mỗi năm và thường sống thành từng đàn lớn.
Lê An (t/h)