Dịch Covid-19 và những tác động tới môi trường

Theo báo Kinh tế và Đô thị|14/08/2020 02:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hiện nay, đại dịch Covid-19 đã lan ra hầu hết các nước trên thế giới và ngày càng diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, dịch đã bùng phát trở lại với tốc độ đáng lo ngại hơn trước.

Ngoài gây tổn thất về sức khỏe và tính mạng của con người, đại dịch cũng ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế – xã hội và môi trường sống của con người.

Suy giảm hiệu ứng nhà kính

Theo đánh giá của các chuyên gia, đại dịch Covid-19 có tác động mạnh mẽ nhất làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế – xã hội nhân loại kể từ đại chiến thế giới thứ 2. Do dịch vẫn bùng phát mạnh nên hiện nay chủ yếu người ta vẫn tập trung nghiên cứu các vấn đề sức khỏe và biện pháp phòng chống, chữa trị cũng như tương lai nền kinh tế thế giới sẽ đi về đâu nên các vấn đề về môi trường có vẻ đang bị lãng quên.

Mặc dù vậy, cũng có những nghiên cứu, đánh giá và phân tích về tác động gián tiếp của virus SARS-CoV-2 lên môi trường toàn cầu. Có những ảnh hưởng mang tính tích cực và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống. Các chuyên gia đã đánh giá những mặt tích cực của đại dịch là suy giảm hiệu ứng nhà kính một cách mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Sự hạ thấp mức ô nhiễm khí nhà kính là nhờ vào các biện pháp giãn cách xã hội mà các nước đã và đang áp dụng.

Nhân viên môi trường thực hiện xử lý rác thải y tế liên quan đến dịch Covid – 19. Ảnh: Phạm Hùng

Một ví dụ điển hình tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), nơi dịch khởi phát từ TP Vũ Hán, giãn cách xã hội và phong tỏa được áp dụng từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, sau đó là toàn bộ đất nước Trung Quốc. Kết quả của các biện pháp này là nhiều nhà máy phát điện, khu công nghiệp đã giảm mạnh sản lượng. Việc sử dụng các phương tiện giao thông vận tải cũng được giảm nhiều, đặc biệt nhiều tuyến đường hàng không, đường sắt, đường bộ ngừng hoạt động, dẫn đến việc sụt giảm mạnh mẽ nồng độ NO2 và bụi mịn dưới 2,5 micromet (PM2,5).

Tương tự, ở châu Âu, ô nhiễm không khí đã giảm mạnh khi chính quyền các nước yêu cầu người dân ở trong nhà để giảm lây lan virus, các ngành công nghiệp và hoạt động cơ bản khác đã bị cắt giảm, nhờ đó môi trường không khí được cải thiện. Điển hình là sự giảm sử dụng xe hơi đã làm giảm mạnh nồng độ khí nhà kính và NO2 ở các nước như Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha.

Cải thiện chất lượng không khí

Chất lượng không khí là yếu tố cơ bản cho sức khỏe con người. Theo báo cáo của một nghiên cứu, những tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã thực hiện hạn chế nghiêm ngặt về đi lại, tự cách ly để ngăn chặn đại dịch Covid-19 và hành động này đã làm thay đổi về ô nhiễm không khí. Nồng độ NO2 đã giảm 22,8 microgram/m3 ở TP Vũ Hán và 12,9 microgram/m3 ở toàn quốc, bụi mịn PM2,5 cũng giảm 1,4 microgram/m3 ở Vũ Hán và giảm 18,9 microgram/m3 ở 367 TP khác.

Trong cùng thời điểm, các nơi khác như Thủ đô Paris của Pháp, Madrid của Tây Ban Nha là những TP đầu tiên ở châu Âu sử dụng biện pháp cách ly nghiêm ngặt. Do đó nồng độ N02 đo ngày 14/3/2020 cũng đã giảm mạnh mẽ so với cùng thời điểm năm 2019.

Các thông số môi trường khác cũng đã có sự cải thiện trong đại dịch Covid-19. Các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng ở hầu hết các nước nên hoạt động du lịch bị ngưng lại, bãi biển trở nên vắng người. Kết quả, thải rác ở các điểm du lịch cũng giảm mạnh, bãi biển… trở nên sạch hơn. Tiếng ồn ở đô thị và các điểm công cộng cũng giảm do người dân không được tập trung, hoạt động buôn bán bị dừng lại, xe cộ bị hạn chế lưu thông.

Gia tăng chất thải ra môi trường

Mặc dù đã có những ảnh hưởng gián tiếp tích cực lên môi trường nhưng virus SARS-CoV-2 cũng gây ra ảnh hưởng tiêu cực. Chẳng hạn, một số TP ở Mỹ, châu Âu đã hoãn các chương trình tái sử dụng chất thải vì lo ngại sự lây nhiễm virus.

Đồng thời, các hoạt động phân loại rác thải cũng bị đình trệ. Mặt khác, những cửa hàng trước kia khuyến khích người dân tái sử dụng túi đựng hàng nay chỉ sử dụng túi dùng một lần và đã cấm sử dụng lại các dụng cụ như cốc, chén, đĩa… Chính vì vậy, lượng rác thải của các gia đình cũng như đô thị tăng lên, làm ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí.

Đặc biệt là chất thải y tế tăng lên rất mạnh, tại các bệnh viện tăng 2 – 4 lần do tăng trang phục, khẩu trang, găng tay. Người dân cũng được khuyến khích sử dụng khẩu trang và được thay thường xuyên. Khẩu trang đã qua sử dụng người dân thải ra môi trường đã làm tăng số lượng rác thải. Nhiều khu cách ly với hàng chục nghìn người được cung cấp khẩu trang và quần áo bảo hộ cũng như thực phẩm chế biến sẵn đã góp phần tạo nên lượng rác lớn thải ra môi trường.

Ước tính trong 6 tháng vừa qua, cả nước ta đã sử dụng hàng trăm triệu khẩu trang, hàng triệu bộ quần áo bảo hộ cùng nhiều trang thiết bị, bơm kim tiêm, dây chuyền dịch, thuốc men và tất cả những thứ đó trở thành chất thải nguy hại. Để bảo đảm an toàn, nhiều khu cách ly, bệnh viện, khu xử lý chất thải đô thị đã sử dụng biện pháp đốt chất thải y tế, dẫn đến ô nhiễm không khí.

Để phòng chống dịch, xử lý môi trường, người ta cũng sử dụng một lượng lớn các hóa chất khử trùng, chủ yếu là Chlorine. Các hóa chất này cũng rất độc hại cho môi trường. Có thể nói, Covid-19 đã ảnh hưởng tích cực và tiêu cực gián tiếp lên môi trường nhưng ảnh hưởng tiêu cực sẽ lớn hơn. Sự giảm nồng độ khí nhà kính trong thời gian ngắn không phải là cách bền vững để làm trong sạch môi trường. Chính đại dịch mang đến nhiều vấn đề môi trường lâu dài mà chúng ta chưa đánh giá được hết.

Hà Nội nỗ lực thu gom, xử lý chất thải

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trên cơ sở hướng dẫn Bộ Y tế, Sở TN&MT, TP Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn rất cụ thể gửi UBND các quận, huyện, thị xã cũng như các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn TP về việc thực hiện các biện pháp quản lý chất thải phát sinh tại khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Trong đó, công tác phân loại, lưu giữ bảo đảm an toàn, hạn chế sự phát tán nguồn lây nhiễm virus.

Đặc biệt là đối với cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung, người được cách ly thu gom riêng khẩu trang, khăn, giấy ăn đã qua sử dụng vào túi đựng chất thải lây nhiễm và buộc kín miệng, tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2 buộc kín miệng núi, thu gom vào thùng đựng chất thải lây nhiễm.

Đối với trường hợp cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú, Sở TN&MT hướng dẫn người được cách ly phải thực hiện thu gom riêng khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng chất thải lây nhiễm để gọn vào góc phòng của người được cách ly, đến giờ mang ra chuyển giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển theo hướng dẫn của địa phương.

Còn rác thải sinh hoạt khác thu gom vào các thùng đựng rác thải thông thường. Các chất thải lây nhiễm phải được vận chuyển đi xử lý trong ngày. Quá trình vận chuyển chất thải lây nhiễm phải bảo đảm an toàn về phương tiện kín khít, được khử khuẩn triệt để trong quá trình vận chuyển; lái xe, người làm nhiệm vụ thu gom phải được trang bị phòng hộ đầy đủ trong quá trình thu gom, vận chuyển (đeo khẩu trang y tế, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn…).

Theo báo Kinh tế và Đô thị

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Dịch Covid-19 và những tác động tới môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.