Điện Biên: Nông dân làm giàu nhờ trồng cây ăn quả

Ngọc Thủy (Dienbien.gov.vn )|12/07/2017 07:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nông dân ở Điện Biên làm giàu nhờ trồng cây ăn quả

(Moitruong.net.vn) – Việc chuyển đổi diện tích trồng lúa, cây lương thực ngắn ngày sang trồng cây ăn quả đã giúp những người nông dân ở Điện Biên đã tăng thu nhập, làm giàu bằng những mô hình trông cây ăn quả đa dạng.

Ông Vũ Văn Biền, đội 4 xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) cũng như nhiều hộ dân ở xã Thanh Hưng mấy năm trước đây chỉ chuyên tâm trồng hoa, trồng lúa. Thấy hoa tươi nhiều năm dớt giá do thời tiết năm thuận, năm nghịch ông Biền quyết định chuyển hướng chuyên trồng thanh long ruột đỏ, ổi và đu đủ Đài Loan. Với diện tích trên 2ha, ông Biền trồng 200 trụ thanh long ruột đỏ, 300 gốc ổi và 200 cây đu đủ.

Và với thanh long, một năm cho thu hoạch 2 lứa, ổi và đu đủ cho thu hoạch cũng 2 lứa; lứa đầu năm, lứa giữa năm. Theo kinh nghiệm của ông Biền, muốn có thu nhập cao từ mô hình cây ăn quả thì trái cây phải cho thu hoạch trái vụ. Ví như ổi Đài Loan, khi trái vụ ông bán buôn cho các tiểu thương tại chợ trung tâm Tp. Điện Biên Phủ là 25.000 – 30.000/kg; đu đủ 20.000 đồng/kg; thanh long ruột đỏ dao động từ 40.000 – 50.000 đồng/kg. Hiện nay, đang là thời gian chính vụ của ổi, đu đủ, mỗi ngày ông cung cấp cho thị trường từ 1.000 – 2.000kg ổi và đu đủ Đài Loan, trừ chi phí mỗi năm ông thu trên 100 triệu đồng.

Chị Hoàng Thị Hiên – Công ty TNHH Thực phẩm SaFe Green – Đội 5A – Xã Thanh An – Huyện Điện Biên cho biết: Trước đây với diện tích đất 1ha gia đình chị vừa trồng cà phê vừa chăn nuôi nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2015, chị chuyển hướng trồng cà phê sang trồng thanh long (gồm 3 loại: Đỏ, trắng, tím). Với 400 gốc thanh long cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, gia đình chị thu được 12 tấn quả, có giá bán dao động từ 17 – 30 nghìn đồng/1kg, trừ chi phí mỗi năm chị thu về từ 200 đến 250 triệu đồng.

Tại các chợ trên địa bàn thành phố, vải thiều tràn ngập bởi đây đang là thời điểm vải chín rộ, nhưng giá cũng không hề rẻ, dao động từ 30.000 – 35.000 đồng/kg. Chị Yến kinh doanh trái cây lâu năm cho biết: Vải được nhập của các nhà vườn tại các xã: Thanh Luông, Thanh Hưng, Noong Luống… với ưu điểm vị ngọt mát, quả mọng, đều, tươi lâu; bởi quá trình vận chuyển ngắn nên trong những năm gần đây, nhiều hộ kinh doanh trái cây tại chợ trung tâm không nhập vải tươi từ Bắc Giang mà lấy ngay tại các nhà vườn Điện Biên.

Với ưu thế về đất đai cũng như thổ nhưỡng, trong những năm trở lại đây, các nhà vườn tại xã Thanh Hưng, Noong Luống, Thanh Luông chuyên tập trung trồng các loại cây ăn trái có giá trị, như: thanh long, vú sữa, nhãn chín muộn và vải thiều giống Lục Ngạn, Bắc Giang; với sản lượng hàng trăm tấn/vụ. Không chỉ chuyên thanh long ruột trắng, mà trong những năm gần đây, nhiều hộ tại xã Thanh Luông, Thanh Hưng đã đầu tư trồng thanh long ruột đỏ, được thị trường đón nhận, cùng với đó nguồn thu nhập tăng cao. Mỗi ha thanh long cho thu nhập từ 13 – 15 tấn quả, trừ chi phí người nông dân có thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng/ vụ. Có thể nói thu nhập cao gấp nhiều lần khi trồng lúa.

Ông Nguyễn Ngọc Ngấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết: Hiện diện tích trồng các loại cây ăn trái của xã tăng qua hàng năm. Tính đến nay, toàn xã có trên 30ha chuyên trồng cây ăn trái, như: thanh long, vú sữa, ổi, đu đủ Đài Loan… không chỉ đa dạng hóa cây trồng mà cho thu nhập cao so với trồng hoa, trồng lúa. Để hỗ trợ người dân sản xuất cây ăn trái đúng, trúng với nhu cầu thị trường, hàng năm chính quyền xã đều phối hợp với cơ quan chức năng của huyện, tỉnh mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái, qua đó người dân thấy được giá trị kinh tế khi sản xuất cây ăn trái lượng cao. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền triển khai nhiều đợt ghép mắt các giống nhãn chín muộn, cho năng xuất cao. Từ đó, người nông dân có thêm thu nhập trên chính diện tích đất lúa.

Ngọc Thủy (Dienbien.gov.vn )

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Điện Biên: Nông dân làm giàu nhờ trồng cây ăn quả
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.