Diễn đàn kinh tế-xã hội Việt Nam 2013: Nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp cùng gỡ khó cho nền kinh tế

Vĩnh Hà|19/09/2023 15:48
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, tại phiên thảo luận chuyên đề 1 về “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”, trên cơ sở phân tích một số vấn đề nổi lên của nền kinh tế, các chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp đã chỉ rõ những vấn đề doanh nghiệp đang phải đối mặt, từ đó đề xuất một số giải pháp gỡ khó cho nền kinh tế.

Khả năng “đối mặt các con gió ngược”

19-vdh.jpg
Diễn đàn thu hút hơn 400 đại biểu tham dự trực tiếp tại điểm cầu chính Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội)

Trình bày tham luận “Khơi thông nguồn lực, phát huy năng lực nội sinh của doanh nghiệp và nền kinh tế”, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trên bình diện tổng quát, Việt Nam cùng cả thế giới đang trong một bước chuyển lịch sử, thời đại khi chuyển từ không gian vật lý chuyển sang không gian “số”; từ thời đại “lao động chân tay – kinh nghiệm” sang thời đại “lao động trí tuệ – sáng tạo”; cấu trúc phát triển chuyển từ thời đại kinh tế vật thể – thủ công chuyển sang kinh tế số, công nghệ cao và giới hạn địa phương mở ra toàn cầu. PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh, quá trình thay đổi đang diễn ra nhanh chưa từng thấy, mang tính hệ thống và rất căn bản, tạo ra những cơ hội và thách thức khác thường, đặc biệt là cho những nước đi sau. Do vậy, việc giải quyết hệ vấn đề phát triển đương đại đòi hỏi tầm nhìn, năng lực và cách tiếp cận mới về nguyên tắc.

Ở tầm nhìn trung và dài hạn, PGS.TS.Trần Đình Thiên cho rằng, bối cảnh thế giới được khắc họa bằng những đường nét ít lạc quan. Dự báo của Ngân hàng Thế giới về “một thập niên mất mát” trong trung hạn, đến 2030 và “xu hướng đối mặt với các con gió nghịch” trong ngắn hạn/cho năm 2023-2024 chứa đựng cảnh báo về xu thế khó khăn trội bật kéo dài của nền kinh tế thế giới trong thời gian tới. Điều này có nghĩa những giải pháp vượt qua không dễ dàng cho cộng đồng thế giới, mỗi quốc gia và doanh nghiệp, PGS.TS.Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Trong bối cảnh phát triển chung này, PGS.TS.Trần Đình Thiên nhận thấy, Việt Nam có nhiều nét khác biệt. Điểm đáng chú ý là sau 3 năm trải qua đại dịch COVID-19, nền kinh tế nước ta vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng tích cực, chứng tỏ năng lực trụ hạng, khả năng “đối mặt các con gió ngược” rất ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam, xứng đáng với những đánh giá tích cực của cộng đồng thế giới.

Tuy nhiên, theo PGS.TS.Trần Đình Thiên có hai vấn đề lớn đặt ra. Một là, xu hướng suy giảm động lực tăng trưởng kinh tế liên tục và kéo dài. Trong gần 40 năm đổi mới, dù mức tăng trưởng bình quân không thấp, song cứ sau mỗi giai đoạn 10 năm, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam lại bị giảm gần 1,0% tốc độ bình quân. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu nào giải thích xu hướng này một cách có hệ thống và mang tính thuyết phục cao. Hai là, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam hiện có một số “nghịch lý” tăng trưởng cao – lạm phát thấp. Nền kinh tế Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng GDP khá cao trong điều kiện lạm phát thấp được duy trì trong nhiều năm. Đặc biệt trong năm 2022, GDP tăng trưởng 8,02% trong khi lạm phát được giữ ở mức khá thấp, chỉ khoảng 3,6%. Thực tế này “nghịch chiều” với xu hướng lạm phát tăng, GDP suy giảm tăng trưởng mạnh ở đa số các nền kinh tế trên thế giới.

19-d2-gs-thien.jpg
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tham luận tại Diễn đàn

PGS.TS.Trần Đình Thiên cũng cho rằng doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, “sống dai” nhưng “chậm lớn”, khó trưởng thành. Đây cũng là một nghịch lý cần được nhìn nhận. Mặt khác, số liệu thống kê cho thấy, hàng năm, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường xấp xỉ 70-75% số đăng ký thành lập. Đây là một tỷ lệ không bình thường, cho thấy “tuổi thọ” của doanh nghiệp không cao và cũng có nghĩa là cơ sở tăng trưởng cho những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, từ góc độ doanh nghiệp Việt, bị suy giảm mạnh và khó được bù đắp kịp thời.

Một nghịch lý khác được PGS.TS.Trần Đình Thiên đưa ra là nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn. Đến hết tháng 8/2023, giải ngân đầu tư công được cải thiện rõ rệt so với các năm trước. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mức độ tiến triển vẫn được coi là chậm khi chỉ đạt 39,6% kế hoạch. Trong khi đó, ở kênh tín dụng, mức tăng trưởng chỉ đạt 5,5% trong khi mục tiêu cả năm là tăng 14%.

Trên cơ sở các lý thuyết kinh tế và thực tiễn hiện nay, PGS.TS.Trần Đình Thiên cho rằng có đủ căn cứ và cơ sở để nhận định: Vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển. PGS.TS.Trần Đình Thiên gợi mở cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin – cho”, “hành chính”; ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường; bảo đảm “tam thông” trong quá trình vận hành hệ thống gồm thông suốt về hạ tầng - thông thoáng về cơ chế - thông minh trong vận hành.

Trên cơ sở những định hướng chung này, PGS.TS.Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh một số giải pháp cụ thể cần quan tâm thực hiện gồm: định hình lại cấu trúc nền kinh tế thị trường “nhất nguyên”, củng cố cơ sở thực hiện đúng đường lối “nội lực – ngoại lực” của Đảng; quan tâm phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt theo hướng “khác biệt về chức năng kinh tế, bình đẳng về tư cách thị trường”, “không xin – cho”, không phân biệt đối xử trong phân bổ nguồn lực; thúc đẩy phát triển đồng bộ các thị trường, đặc biệt là thị trường đất đai đồng nhịp các giải pháp kinh tế, hành chính, pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

6 rào cản, khó khăn cần tháo gỡ cho doanh nghiệp

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho rằng, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với một số rào cản, khó khăn như vấn đề chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế; Việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản (vốn, nhân lực, đất đai) chưa thực sự thuận lợi… Do đó, cần tập trung tháo gỡ các rào cản, nút thắt từ thể chế, chính sách đang cản trở sự phát triển.

Trình bày tham luận “Tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam” tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức to lớn bắt nguồn từ những bất ổn của tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu. Trên bình diện quốc tế, lạm phát đang ở mức cao và các ngân hàng trung ương toàn cầu theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt. Các căng thẳng về chính trị cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới, làm gia tăng áp lực cho thương mại - đầu tư toàn cầu. Tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2023 của cả nước chỉ đạt 3,72%, là mức tăng trưởng trong 6 tháng thấp thứ hai trong vòng một thập kỷ qua. Mức tăng trưởng này chỉ cao hơn so với giai đoạn cùng kỳ của năm 2020 khi cả nước đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để ứng phó đại dịch COVID-19.

Phó Tổng Thư ký VCCI chỉ rõ, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với những thách thức to lớn. Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường vẫn giảm nhẹ khoảng 0,03% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 15,6% so với 8 tháng đầu năm 2022 lên tới 124,7 nghìn doanh nghiệp. Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp đáng báo động.

Trong 8 tháng đầu năm 2023, ần đầu tiên sau nhiều năm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này thể hiện rõ ở các sản phẩm xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam từ sản phẩm điện tử, may mặc, đồ gỗ cho đến thủy hải sản… Điều này có nguyên nhân quan trọng từ sự suy giảm của thị trường thế giới, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ giảm, trong đó có những thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ chốt của Việt Nam như Hoa Kỳ hay các nước Châu Âu.

19-d2-datuan.jpg
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI phát biểu trong phiên thảo luận sáng nay tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023

Sự sụt giảm nhu cầu trên thị trường quốc tế nhanh chóng đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam. Giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm sụt giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2022. Một số ngành sản xuất công nghiệp quan trọng bị giảm có thể kể đến như sản phẩm điện tử, sản xuất máy móc - thiết bị, chế biến gỗ và sản xuất trang phục.

Tại Diễn đàn, ông Đậu Anh Tuấn đề cập về một số rào cản, khó khăn tiêu biểu của các doanh nghiệp Việt Nam. Đó các vấn đề như: (1) Chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế; (2) Việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản (vốn, nhân lực, đất đai) chưa thực sự thuận lợi; (3) Chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam; (4) Chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật cần tiếp tục được cải thiện; (5) Các doanh nghiệp sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả và (6) Doanh nghiệp tư nhân trong nước còn gặp bất lợi so với doanh nghiệp xuyên biên giới.

Thứ nhất, chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế.

Ông Đậu Anh Tuấn nêu rõ, chất lượng hầu hết các loại cơ sở hạ tầng nhìn chung chậm cải thiện, với xu hướng đi ngang hoặc thậm chí giảm trong năm qua. So với những quốc gia, Việt Nam đứng thứ 77 về chất lượng hạ tầng tổng thể, 103 về đường bộ, 83 về cảng, 103 về vận tải hàng không và 87 về cung ứng điện. Các kết quả này nhìn chung kém cạnh tranh hơn khi nhà đầu tư đặt lên bàn cân so sánh với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia hay Thái Lan.

Ví dụ điển hình về yếu kém cơ sở hạ tầng có thể kể đến như sự cố thiếu hụt điện nghiêm trọng tại miền Bắc Việt Nam trong tháng 5 và tháng 6 năm 2023, gây ra nhiều thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản chưa thực sự thuận lợi.

Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận vốn. Nguyên nhân là do xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu nên mặt bằng lãi suất còn khá cao đối với các doanh nghiệp có nhu cầu đi vay. Mặt khác, doanh nghiệp cũng đối diện những rào cản về mặt quy trình, thủ tục khác nhau khi vay vốn.

Giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới sẽ tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đơn hàng suy giảm, tổng cầu trong nước giảm mạnh, kéo theo nhu cầu vốn lưu động và vốn đầu tư thấp của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chất lượng lao động, việc tiếp cận đất đai và phải trả chi phí không chính thức là những thách thức khác mà nhiều doanh nghiệp Việt đang gặp phải.

Thứ ba, chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Phó Tổng Thư ký VCCI nêu rõ, rào cản về chi phí kinh doanh cao làm giảm tính cạnh tranh và khả năng tích luỹ vốn của nền kinh tế Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là khả năng thu hút vốn đầu tư, khả năng tạo việc làm của nền kinh tế. Các chi phí cao này khiến Việt Nam có nguy cơ bị mất đơn hàng cho các quốc gia khác. Doanh nghiệp không đầu tư mới, tình trạng các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động tăng lên.

Kết quả là chúng ta phải lo xử lý một bộ phận lớn người lao động mất việc làm, và việc này còn khó khăn hơn rất nhiều so với việc bảo đảm đời sống của những người lao động có việc làm.

Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn thiếu vốn, chúng ta cần cạnh tranh thu hút vốn, nhưng nếu các chi phí lao động quá cao thì dòng vốn sẽ không chảy vào nước ta. Trong bối cảnh các chính sách thu hút đầu tư mà Việt Nam áp dụng từ trước đến nay như ưu đãi thuế đang bị chặn lại do chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, thì việc thu hút vốn để tạo đủ việc làm cho nền kinh tế vẫn phải là mục tiêu hàng đầu.

Thứ tư, chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật cần tiếp tục được cải thiện.

Các doanh nghiệp đề nghị một số giải pháp cần làm để nâng cao chất lượng pháp luật và tính dự đoán của pháp luật như tăng cường tham vấn, lấy ý kiến, đặc biệt đối với các Thông tư, các quy hoạch, kế hoạch; nguyên tắc không hồi tố phải được áp dụng rộng rãi hơn, đặc biệt là với dự án đầu tư và công trình xây dựng đã được bắt đầu trước khi có quy định mới; bãi bỏ dần các quy định về thời hạn của các loại giấy phép con; áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để giảm sự tuỳ tiện khi thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, các quy định theo hướng tăng nặng nghĩa vụ của doanh nghiệp cần có lộ trình thực hiện kéo dài hơn, thay vì mức chỉ 45 ngày như quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ năm, các doanh nghiệp sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, pháp luật đầu tư chưa quy định cụ thể, toàn diện về thu hút nguồn lực đầu tư xã hội và tạo ra các doanh nghiệp trong nước có quy mô lớn tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Để đầu tư vào sản xuất công nghiệp thì nguồn vốn đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhưng so với doanh nghiệp các nước khác thì các doanh nghiệp Việt Nam gặp bất lợi khi chi phí vốn cao hơn rất nhiều, chưa có nguồn hỗ trợ tài chính hiệu quả trong khi lại chịu rào cản để có thể tiếp cận vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế. Để tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành tạo ra nhiều giá trị gia tăng, cần phải có các mức ưu đãi khác nhau đối với các loại sản phẩm khác nhau…

Thứ sáu, doanh nghiệp tư nhân trong nước còn gặp bất lợi so với doanh nghiệp xuyên biên giới.

Do sự phát triển của internet, Việt Nam đã bắt đầu xây dựng rất nhiều quy định quản lý các dịch vụ trên mạng như quy định quản lý mạng xã hội, game online, phim, trang thông tin điện tử, thương mại điện tử… Đây là các quy định cần thiết để chống tin giả, thông tin xấu độc, khiêu dâm, bạo lực trên Internet.

Theo Phó Tổng Thư ký VCCI, các cơ quan Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ triệt để nhiều quy định quản lý các dịch vụ trên mạng trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới lại không đáp ứng các quy định này. Điều đó gây bất bình đẳng trong kinh doanh, khiến các doanh nghiệp trong nước bị đội chi phí, kéo dài thời gian, công sức khi thực hiện các hoạt động kinh doanh.

Kết quả là chính sách càng ngày càng tăng nặng nghĩa vụ, chi phí cho doanh nghiệp nội địa mà không hề giải quyết được vấn đề. Các doanh nghiệp trong nước ngày càng kém cạnh tranh và thua ngay trên sân nhà bởi các nghĩa vụ tuân thủ quá cao.

Vì thế ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, trong ngắn hạn, cần đưa ra quy định theo hướng nới lỏng nghĩa vụ cho các doanh nghiệp Việt Nam, ví dụ như loại trừ các doanh nghiệp trong nước khi phải áp dụng các quy định mới, hoặc áp dụng cơ chế quản lý rủi ro, miễn trừ nghĩa vụ cho các doanh nghiệp đã tuân thủ tốt. Về dài hạn thì cần nghiên cứu quy định về xử phạt doanh nghiệp tại nước ngoài, hiệu lực ngoài lãnh thổ của pháp luật hành chính.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diễn đàn kinh tế-xã hội Việt Nam 2013: Nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp cùng gỡ khó cho nền kinh tế