Điện mặt trời ở Việt Nam (Bài 3): Cần chính sách sát thực tiễn

Thu Hà|30/09/2020 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Phát triển năng lượng mặt trời đang ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh nhu cầu điện tăng cao, không đủ cho sử dụng. Tuy nhiên, cần chính sách đủ mạnh để nhanh chóng thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho các dự án đi vào vận hành.

Năm 2017, nhằm khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời ở Việt Nam, trong đó có ưu đãi về vốn và thuế; ưu đãi về đất cũng như giá bán điện (9,35 UScents/kWh). Chính cơ chế này đã tạo nên một “làn sóng” đầu tư vào các dự án điện mặt trời trong thời gian qua.

Tuy nhiên, quy định hiện hành về khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời vẫn còn gặp một số vướng mắc về quy trình đấu nối; mâu thuẫn với quy định về thuế trong việc bán lại sản lượng điện dư của các dự án điện mặt trời áp mái…

Ông Lê Mạnh Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư TM&DV Việt Nam Toàn Cầu (VNG) cho biết, hiện nay, năng lượng mặt trời ở Việt Nam chủ yếu sử dụng để làm nóng nước cung ứng cho nhà tắm và sử dụng tấm pin. Gần như tất cả các nhà đầu tư điện mặt trời ở Việt Nam tập trung đầu tư điện mặt trời dùng tấm pin (PV module) tế bào quang điện chuyển hóa thành điện năng. Nhược điểm của tấm pin năng lượng là chỉ phát điện được ban ngày, muốn có điện ban đêm đòi hỏi phải đầu tư hệ thống ắc quy lưu trữ khá tốn kém. Trên thế giới, có ứng dụng công nghệ hứng nắng phản chiếu vào tấm gương để nung tháp nhiệt và dẫn nhiệt chạy tua bin hơi nước. Công nghệ này có thể phát điện cả ban ngày lẫn ban đêm và đã phát triển nhiều năm trước tại Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và mới ngày 31/12/2019 vừa qua thì Trung Quốc vừa khánh thành nhà máy nhiệt điện sử dụng năng lượng mặt trời kiểu này.

Việc chậm trễ ban hành quy định giá điện sau 30/6/2019 không ít thì nhiều gây khó khăn cho các nhà đầu tư đã tiến hành thi công dự án, nhà thầu thi công dự án vì tất cả đã huy động nguồn lực để triển khai dự án nhưng vẫn chưa có hướng dẫn giá điện chính thức kể từ 01/7/2019. Tất cả cho đến nay vẫn dừng lại ở dự thảo trình Thủ tướng vào ngày 31/12/2019 của Bộ Công Thương.

Nhà máy điện mặt trời nổi trên mặt nước 

Quá ngắn, quá thách thức

Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (thay thế Quyết định 11/2017 đã hết hiệu lực từ 30/6/2019) đã được chính phủ ban hành ngày 6/4/2020, có hiệu lực thi hành từ 22/5/2020 và có thời hạn áp dụng đến hết ngày 31/12/2020 đưa ra các biểu giá hỗ trợ mới (FIT2) cho các dự án điện mặt trời mặt đất, mái nhà và nổi trên mặt nước. Trong đó, mức giá FIT mới cho hệ thống ĐMT mái nhà giảm xuống còn 8,38 cent (tương đương 1.943 VND/kWh), mức giá hỗ trợ cho các dự án điện mặt trời mặt đất là 7,09 cent (tương đương 1.644 VNĐ/kwh) và dự án điện mặt trời nổi là 7,69 cent Mỹ (tương đương 1.783 VNĐ/kwh).

Bà Trần Hương Thảo, Trưởng Đại diện chi nhánh Công ty Năng lượng Mặt trời Bách Khoa cho rằng:“FIT 2 ra đời giống như một cơn mưa cho mảnh đất điện mặt trời đang khô hạn. Tuy vậy, chúng ta cần không chỉ dừng lại ở FIT 2 mà là một chính sách phát triển cho ngành điện mặt trời một cách lâu dài, bền vững, có định hướng rõ ràng. Có như vậy, Việt Nam mới đuổi kịp các Quốc gia khác trong quá trình chuyển dạng năng lượng tái tạo thần tốc như hiện nay”.

Còn ông Đào Du Dương, Phó Trưởng đại diện Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại TP.HCM phân tích: “FIT2 nhằm giải cứu cho 36 dự án điện mặt trời quy mô trang trại chưa kịp hưởng FIT1 trong khi thời hạn chỉ còn 7 tháng với bối cảnh Covid-19 đầy biến động, thời hạn này gần như là bất khả thi. Còn với điện mặt trời áp mái, từ nay đến 31/12/2020 thời gian là quá ngắn để kịp tiến độ trong điều kiện thi công, còn điện áp mái là ở trên cao, việc đảm bảo an toàn còn ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ, đến chi phí nhân công. Phía Nam lại sắp vào mùa mưa nên việc ảnh hưởng đến thi công rất lớn”. Ông cũng đưa ra kiến nghị không những chỉ gia hạn thêm thời gian cho điện mặt trời áp mái mà cần có chính sách lâu dài hơn hoặc có thời gian nhất định và rõ ràng hơn cho phát triển điện mặt trời áp mái này 6 tháng trước khi hết hạn FIT2.

Ông Nguyễn Tùy Anh, Giám đốc Quỹ Blue Leaf Energy/Macquarie Capital nêu quan điểm “QĐ13 không nên giới hạn công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái mà nên giới hạn sản lượng điện phát lên lưới không được quá 1 MW để thúc đẩy tự dùng”. Ông cũng đề xuất nên có thông tư riêng cho điện mặt trời áp mái, để có hướng dẫn rõ ràng, tạo cơ chế khuyến khích tối đa thúc đẩy thị trường này.

Cùng với đó, ông Phạm Nam Phong, Tổng Giám Đốc, Công ty Cổ phần Điện Mặt Trời Vũ Phong cũng mong muốn kéo dài thời gian của FIT2 tối thiểu tới cuối năm 2021 để người dân và doanh nghiệp có cơ hội kịp đầu tư điện mặt trời mái nhà. Ngoài ra, ông Phong cũng nêu ý kiến nên có FIT3 theo hướng ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà phân tán, ưu tiên giá cao hơn ở những vùng có bức xạ thấp như miền Bắc, và tại mỗi vùng nên có giá ưu đãi hơn đối với các hệ thống nhỏ (<100 kWp) do suất đầu tư hệ thống nhỏ cao hơn, để khuyến khích nhiều người dân và doanh nghiệp nhỏ tham gia đầu tư điện mặt trời.

“8 tháng tới hi vọng các dự án đạt đúng tiến độ như FIT2, nhưng chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần có các chính sách mang tính bền vững. Giá FIT nên lâu dài, vấn đề đường dây truyền tải cũng cần xem xét” – ông Lê Viết Vĩnh, nhà đầu tư điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 nói.

Nhà máy Điện mặt trời Sunseap 168 MW (Ninh Sơn, Ninh Thuận) là một trong những dự án điện mặt trời lớn tại Việt Nam

Cần chính sách thực tiễn

Để thực hiện hiệu quả FiT2, các đại biểu kiến nghị, Chính phủ cần xây dựng lộ trình chính sách phát triển ngành điện mặt trời lâu dài, bền vững và có lộ trình rõ ràng, minh bạch để tạo được sự tin tưởng của các nhà đầu tư và sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Chính phủ nên gia hạn thời gian thực hiện FIT2 vì trong bối cảnh dịch bệnh đang ảnh hưởng toàn cầu như hiện nay việc huy động nguồn lực tài chính và cung ứng thiết bị để triển khai các dự án bị ảnh hưởng và gặp nhiều khó khăn.

Bộ Công Thương cần sớm ban hành các Thông tư, Văn bản hướng dẫn thực hiện FIT2 để đảm bảo đủ thời gian cho các bên tham gia được hưởng các ưu đãi từ chính sách này.

Cụ thể, với điện mặt trời áp mái, Chính phủ nên kéo dài chính sách hỗ trợ giá theo QĐ 13 cho điện áp mái ít nhất thêm 1 năm nữa sau 31/12/2020, đồng thời, cần xây dựng cơ chế chính sách riêng cho phát triển điện mặt trời áp mái với lộ trình rõ ràng, dài hạn và bền vững, được ban hành 6 tháng trước khi kết thúc thời hạn FIT2.

Nhìn nhận về tính khả thi này, đại diện các doanh nghiệp điện mặt trời cho biết, mục đích của các phương án này là giúp Việt Nam giải quyết những hạn chế về khả năng sẵn sàng của lưới điện, và quy trình giải phóng mặt bằng đất đai phức tạp, nhằm mục đích giảm bớt các rủi ro các đơn vị sản xuất điện.

Theo quan điểm của bà Ngô Tố Nhiên, tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng “để tối ưu hóa nguồn vốn đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo thì thông tin về khả năng đáp ứng của hệ thống truyền tải là vô cùng quan trọng. Chính phủ nên công bố và cập nhật công khai thông tin về khả năng tiếp nhận điện năng lượng tái tạo lên hệ thống lưới truyền tải. Xem xét chủ trương đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải dưới hình thức BT, BOT.

Đồng thời nên có các nghiên cứu cơ chế chính sách cho phép tư nhân tham gia giải tỏa công suất phát điện bằng cách góp vốn đầu tư vào xây dựng các đường dây, trạm biến áp. Nếu chủ trương này đã được thông qua thì cần công bố minh bạch quy trình, thủ tục đầu tư. Việc ban hành cơ chế chính sách khung sẽ mở ra cơ hội cạnh tranh cao, thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp thực sự có năng lực tham gia, tránh trường hợp áp dụng cơ chế chỉ định thầu như hiện nay. Cần xây dựng khung chỉ tiêu đánh giá khả năng kỹ thuật và tài chính của các chủ đầu tư nhằm loại bỏ các chủ đầu tư có năng lực kém.

Để có thể tiếp tục phát triển điện mặt trời áp mái các giải pháp đầu tư, quy hoạch xây dựng đường dây 500kV mạch 3 cũng như lưới điện truyền tải cần cụ thể hóa trong quy hoạch điện VIII để tối đa hóa năng lực phát điện của các dự án năng lượng tái tạo.

Mai Trang

Bài liên quan
  • Điện mặt trời ở Việt Nam (Bài 2): Tiềm năng, cơ hội lớn
    Moitruong.net.vn – Trong bối cảnh thuỷ điện và nhiệt điện bộc lộ nhiều hạn chế, các dự án phát triển năng lượng điện mặt trời tại Việt Nam đang được triển khai rất sôi động. Riêng với điện mặt trời, các nghiên cứu cho thấy, đến năm 2030, Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 35.000 MW.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Điện mặt trời ở Việt Nam (Bài 3): Cần chính sách sát thực tiễn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.