Điện mặt trời ở Việt Nam (Bài 1): Nguồn năng lượng sạch cho gia đình, doanh nghiệp

Thu Hà|28/09/2020 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Với công suất nhỏ, tiện dụng, điện mặt trời (ĐMT) lắp trên mái nhà không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mà còn góp phần giảm áp lực về đầu tư nguồn điện, giảm ô nhiễm môi trường…

Từng bước “đi” vào cuộc sống

Nếu trước đây, năng lượng mặt trời được xem là nguồn năng lượng xa xỉ do suất đầu tư cao, thì hiện nay, với sự phát triển mạnh của KHCN, điện mặt trời đã bắt đầu đi vào cuộc sống, được nhiều gia đình, doanh nghiệp sử dụng, mang lại hiệu quả. Gia đình anh Lê Minh Dương (quận Đống Đa, Hà Nội) lắp 12 tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà, tổng công suất 3,6 kWp, hàng tháng tiết kiệm được từ 1,2 – 1,4 triệu đồng tiền điện. Anh Dương chia sẻ: “Với suất đầu tư ban đầu khoảng 16 triệu đồng/kWp, 5 năm sau, gia đình tôi sẽ hoàn vốn. Từ năm thứ 6 trở đi, gia đình sẽ thu lãi gần 20 triệu đồng/năm. Đặc biệt, pin NLMT có tuổi thọ rất cao, từ 20-25 năm”.

Tại Công ty Điện lực Bà Rịa – Vũng Tàu, kể từ khi đưa vào sử dụng hệ thống ĐMT lắp mái công suất 140 kWp ở Tòa nhà văn phòng, trung bình mỗi tháng, Công ty tiết kiệm được hơn 21 triệu đồng tiền điện. Ngoài ra, ĐMT lắp trên mái cũng đã được triển khai và áp dụng nhiều nơi trên toàn quốc, mang lại hiệu quả thiết thực như: Tòa nhà Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Nhà làm việc của Bộ Công Thương,…

Theo Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, ưu điểm của ĐMT lắp mái là không chiếm dụng đất mà sử dụng diện tích các mái nhà sẵn có. Điện phát ra có thể sử dụng trực tiếp cho nhu cầu gia đình hoặc hòa vào điện lưới.

Do đó, các hộ gia đình, doanh nghiệp nếu có mặt bằng và điều kiện thuận lợi tiếp nhận ánh sáng mặt trời, nên lắp đặt ĐMT, tận dụng nguồn năng lượng tái tạo. Đặc biệt, với các tòa nhà văn phòng, khu chung cư, việc lắp đặt ĐMT trên mái có dư sức cấp điện cho hệ thống thang máy, điều hòa, nước nóng… mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Một góc của dự án điểm du lịch bên cạnh “thảo nguyên” pin mặt trời của nhà máy điện năng lượng mặt trời Sao Mai

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi lắp đặt, các hộ gia đình cần lưu ý đến vấn đề an toàn và cần có chuyên gia tư vấn, hỗ trợ để nguồn NLMT phát huy hiệu quả cao nhất.

Trước những thách thức về nhu cầu năng lượng nhằm đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng bền vững, đặc biệt là sự cạn kiện của nguồn nhiên liệu hóa thạch, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Các chính sách khuyến khích từ năm 2015 đến năm 2017 đã tạo nên “cuộc đua nước rút” để tận dụng cơ hội cung cấp năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Không chỉ thu hút các nhà thầu trong nước, Việt Nam ghi nhận hàng loạt dự án điện mặt trời “triệu đô” từ các nhà đầu tư nước ngoài như: nhà máy Tata Power công suất 300 MW tại Hà Tĩnh, nhà máy Hanwha công suất 100-200 MW tại Thừa Thiên Huế, nhà máy GT & Associates và Mashall & Street Ltd công suất 150 MW tại Quảng Nam.

Về mặt địa lý, Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn để khai thác năng lượng mặt trời do ở gần xích đạo và tồn tại những vùng khô nắng nhiều như các tỉnh nam Trung Bộ. Chỉ trong nửa đầu năm 2018, Bộ Công thương ghi nhận 272 dự án nhà máy điện mặt trời với tổng công suất khoảng 17.500 MW, gấp 9 nhà máy thủy điện Hòa Bình và gấp 7 lần nhà máy thủy điện Sơn La.

Ngoài ra, nguồn cung cấp dồi dào từ các dự án điện mặt trời đang được các chuyên gia xem xét để đề xuất thay thế cho các nhà máy điện hạt nhân, khi Việt Nam đã dừng các dự án điện hạt nhân tới năm 2030.

Thị trường hấp dẫn

Việt Nam có vị trí gần xích đạo, nằm gọn trong vành đai khí hậu nhiệt đới Bắc bán cầu, với nền bức xạ nhiệt trung bình năm cao, cán cân bức xạ quanh năm luôn dương, do đó thị trường năng lượng mặt trời nhanh chóng trở thành chiếc bánh béo bở thu hút nhà đầu tư nội địa và nước ngoài tham gia. Theo báo cáo từ Bộ Công thương, đến tháng 12/2019 đã có hơn 87 dự án đang được vận hành với công suất thiết kế tối đa, hơn 260 dự án năng lượng mặt trời đang được chờ phê duyệt.

Trong tương lai cuộc cách mạng năng lượng tái tạo ở Việt Nam có thể dẫn đầu xu thế đầu tư. Và lượng điện mà ngành năng lượng này sản xuất được sẽ giúp củng cố an ninh năng lượng cùng lúc giải quyết được đề toán áp lực truyền tải điện tại Việt Nam.

Sẽ luôn cần nhiều hơn nữa sự ủng hộ và các quyết sách từ phía cấp lãnh đạo và người đứng đầu của mỗi quốc gia để có thể đẩy mạnh cuộc cách mạng này đi đến một viễn cảnh tương lai, nơi mà vấn đề năng lượng không còn là nỗi bận tâm ở bất kỳ quốc gia nào.

Kết hợp điểm du lịch và dự án năng lượng mặt trời sẽ đem đến luồng năng lượng mới cho ngành du lịch

Cần có cơ chế khuyến khích phát triển

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long cho rằng, một trong những rào cản đối với việc phát triển ĐMT là suất đầu tư cao so với các nguồn năng lượng khác. Do vậy, nếu có một cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển như hỗ trợ về giá bán, hệ thống ĐMT lắp mái nối lưới sẽ có cơ hội phát triển mạnh.

“ĐMT tại Việt Nam thường có công suất phát cao nhất từ 9 giờ sáng cho đến 15 giờ chiều. Vì vậy, nếu quy định bán điện vào giờ cao điểm được tính theo giá cao hơn, sử dụng điện vào giờ cao điểm phải trả giá cao thì các nguồn ĐMT sẽ có lợi nhiều hơn và thời gian thu hồi vốn cũng sẽ nhanh hơn”, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long cho hay.

Tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam, với nhiều ưu đãi về thuế, giá bán ĐMT. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ngoài các cơ chế, chính sách của Nhà nước, mỗi địa phương cũng cần xây dựng các cơ chế hỗ trợ riêng để thúc đẩy thị trường ĐMT.

Nam Anh

Bài liên quan
  • Năng lượng tái tạo (Bài 1): Xu thế không thể khác của Việt Nam
    Moitruong.net.vn – Từng bước đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nguồn điện dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo mà Việt Nam có tiềm năng, đặc biệt là các nguồn sinh khối, gió, năng lượng mặt trời… được coi là một trong những giải pháp phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện mặt trời ở Việt Nam (Bài 1): Nguồn năng lượng sạch cho gia đình, doanh nghiệp