Điều gì sẽ xảy ra nếu toàn bộ cây xanh trên Trái Đất bị chặt hạ?

Nhật Minh|22/08/2019 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Khoảng 200 năm nữa toàn bộ cây xanh trên Trái Đất sẽ bị chặt hạ. Điều gì sẽ xảy đến với con người khi phải sinh sống trên một hành tinh không còn cây xanh?

Chúng ta đều biết, cây xanh rất quan trọng với sự sống của con người cũng như tất cả mọi sinh vật trên Trái Đất. Nhờ quá trình quang hợp, cây xanh hấp thụ khí nhà kính CO2 trong bầu khí quyển và trả lại dưỡng khí Oxy cần cho sự hô hấp của các thực thể sống. Bên cạnh đó, hệ thống rễ cây giúp giữ đất, chống xói mòn, rửa trôi còn các bộ phận trên mặt đất lại trở thành ngôi nhà cũng như thức ăn của động vật.

Cây xanh rất quan trọng với sự sống của con người  và muôn loài trên Trái Đất

Dù là lá phổi xanh của Trái Đất, cũng như là vũ khí hiệu quả nhất giúp chống lại quá trình biến đổi khí hậu, cũng như sự ô nhiễm môi trường, 15 tỷ cây xanh vẫn bị chặt phá không thương tiếc mỗi năm, để phục vụ cho nhu cầu của con người. Và mặc dù có rất nhiều dự án trồng mới nhưng với tốc độ phá rừng như hiện tại thì khoảng 200 năm nữa, Trái Đất của chúng ta sẽ không còn một cái cây nào!

Nếu còn đang bàng quan về sự nghiêm trọng của vấn nạn này, hãy thử tua nhanh thời gian thêm 2 thế kỷ nữa để cùng xem cuộc sống của loài người sẽ như thế nào nếu hành tinh xanh không còn cây!

Với tốc độ phá rừng như hiện tại thì khoảng 200 năm nữa, Trái Đất của chúng ta sẽ không còn một cái cây nào

Khi thế giới không có cây xanh

Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng việc Trái Đất không còn cây xanh cũng mang đến một vài lợi ích cho chúng ta. Trước hết, không có cây đương nhiên con người cũng không còn lo sợ những vụ cháy rừng, thảm họa gây thiệt hại hàng ngàn công trình và khiến hàng trăm người thương vong mỗi năm. Đơn cử như vụ cháy rừng lớn nhất từng xảy ra ở bang California, Mỹ đã thiêu hủy trên 18.000 ngôi nhà và thiệt hại ước tính lên đến 16 tỷ USD.

Tình hình sẽ tồi tệ thế nào nếu hệ thống lọc khí này biến mất

Kế đó, con người cũng không còn phải mất công dọn dẹp lá cây rụng, nhiệm vụ tuy nhỏ nhặt nhưng lại khiến chúng ta mất đến hàng chục giờ lao động mỗi năm. Ngoài ra, với những khu vực thường xuyên bị tố lốc, bão hay động đất, mối nguy hiểm cây bật gốc, gãy cành cũng được loại bỏ…

Dẫu vậy, bấy nhiêu lợi ích kể trên vẫn không đáng gì so với những mặt trái của một thế giới không còn bóng cây mang lại cho cuộc sống con người.

Tuy nhiên, việc mất đi lá phổi này không đồng nghĩa với cái kết tận diệt vì không còn dưỡng khí để thở cho loài người, bởi theo tính toán cây xanh chỉ sản xuất khoảng một nửa lượng Oxy trong bầu khí quyển, nửa còn lại đến từ quá trình quang hợp của các loài tảo dưới đáy biển. Khi hệ thống sản xuất Oxy còn lại một nửa, con người không chết nhưng sẽ phải gặp vấn đề thực sự với việc hô hấp.

Tốc độ tàn phá rừng, cây xanh ngày càng gia tăng

Hãy thử làm một phép tính để hiểu rõ vấn đề này: Trung bình, mỗi cái cây trong một năm có thể sản xuất lượng Oxy đủ cho 10 người hô hấp. Trái Đất hiện có hàng ngàn tỷ cây xanh nên đương nhiên là lượng Oxy sinh ra lớn hơn nhu cầu hít thở của hơn 7,5 tỷ người. Khi toàn bộ nhiệm vụ sinh dưỡng khí này trao lại cho các loài thực vật phù du dưới biển, hàm lượng Oxy trong không khí sẽ tụt dốc một cách chóng mặt, và bất kỳ ai trên thế giới cũng sẽ nhận ra sự thay đổi này, bởi hiện tượng khó thở, nhanh mệt sau khi vận động mạnh… Cuối cùng, vì dân số thế giới không ngừng tăng lên, nên đến một lúc nào đó nguồn cung Oxy từ đại dương không thể đủ đáp ứng nhu cầu của con người.

Vấn đề hô hấp của con người khi không có cây xanh không chỉ gây ra bởi sự thiếu hụt Oxy, mà còn ở sự tăng nhanh của các loại khí độc. Trên thực tế, lá cây vẫn hàng ngày hấp thụ một lượng lớn các loại khí độc hại để góp phần làm sạch bầu khí quyển. Năm 2015, đã có 6,5 ca tử vong trên thế giới do các vấn đề liên quan đến ô nhiễm không khí và chắc bạn cũng phần nào hình dung được tình hình sẽ tồi tệ thế nào nếu hệ thống lọc khí này biến mất.

Bên cạnh sức khỏe, một vấn đề thực sự đáng quan ngại khác mà con người phải đối mặt chính là “biến đổi khí hậu”. Khi khí nhà kính CO2 không còn được hấp thụ bởi cây xanh, hệ quả nhãn tiền là Trái Đất sẽ ấm lên với tốc độ nhanh hơn đáng kể so với hiện tại, kéo theo đó là hàng loạt vấn đề như băng tan, nước biển dâng, thời tiết thất thường…

Lượng cây xanh giảm, lượng mưa giảm, tình trạng hạn hán ngày càng nghiêm trọng

Không có cây đồng nghĩa với việc chúng ta phải nói lời tạm biệt với mọi sản phẩm được làm từ gỗ, vốn hiện hữu trong hàng loạt lĩnh vực cuộc sống như: xây dựng, đồ nội thất, công cụ làm việc, bút chì hay thậm chí là giấy. Đương nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ, con người cũng sớm tìm được loại vật liệu thay thế, song việc này cũng gây ra nhiều xáo trộn và và nhiều khi các sản phẩm đó sẽ trở nên đắt đỏ hơn, trong khi hiệu năng sử dụng lại kém hơn ban đầu.

Dù khó tin nhưng cây xanh có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến các cơn mưa. Bạn cần biết rằng, khi cây hấp thụ nước từ mặt đất, chúng chỉ sử dụng một phần nhỏ và hầu hết nước lại được trả về môi trường thông qua các khí khổng trên lá. Lượng hơi nước này tiếp tục bốc lên cao và ngưng tụ để tạo mây mưa. Do đó, việc các cánh rừng – mắt xích quan trọng trong vòng tuần hoàn của nước – biến mất sẽ làm suy giảm nghiêm trong lượng mưa trên toàn thế giới, khiến nhiều vùng đất lâm vào cảnh hạn hán. Các nhà nghiên cứu đã ước tính, nếu rừng mưa Amazon không còn cây, tổng lượng mưa toàn cầu sẽ giảm đến 20%.

Nhật Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều gì sẽ xảy ra nếu toàn bộ cây xanh trên Trái Đất bị chặt hạ?