Doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng nguồn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc

Hà My|19/01/2023 12:04
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trước khi Trung Quốc chính thức mở cửa trở lại sau thời gian dài chống dịch, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam đã sẵn sàng nguồn hàng cung ứng. Chính vì thế mà thời điểm này, giao thương hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc đang rất sôi động.

Tấp nập đơn hàng nông sản 

xuat-khau-sang-trung-quoc.jpg
Cửa khẩu quốc tế Kim Thành, tỉnh Lào Cai.

Ngay sau khi Trung Quốc mở cửa lại biên giới (từ ngày 8/1/2023), nhiều mặt hàng nông sản như: Gạo, trái cây, thủy sản… đã tăng trưởng mạnh trở lại. Tại thủ phủ thanh long tỉnh Bình Thuận, giá thanh long ruột trắng tại vườn đã lên đáng kể, dao động 16.000 - 21.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Công Kính, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cao Thành Phát, từ khi Trung Quốc mở cửa khẩu, dỡ bỏ các rào cản kiểm dịch, công ty đã chuyển toàn bộ hàng hóa đường biển sang đường bộ để rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường.

“Nếu như cùng thời điểm này năm trước thanh long rớt giá thê thảm còn 1.000 - 2.000 đồng/kg thì hiện nay đã tăng lên trên 30.000 đồng/kg nhưng cũng không có hàng để thu mua”, ông Kính chia sẻ.

Tại các vựa trái cây khu vực đồng bằng sông Cửu Long, mặt hàng “sốt giá” nhất phải kể đến là sầu riêng, một sản phẩm đang được tiêu thụ và tăng trưởng mạnh tại thị trường Trung Quốc. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (Đắk Lắk) Vũ Ngọc Huy cho biết, công ty đang tích cực thu mua ở những vùng trồng được cấp mã số theo quy định.

Thời gian gần đây giá sầu riêng xuất khẩu (có mã số vùng trồng) liên tục tăng. Nếu như tháng 12/2022, giá sầu riêng loại một thu mua tại vườn khoảng 80.000 đồng/kg (tăng 20.000 - 25.000 đồng/kg so với mùa trước) thì hiện tăng thêm khoảng 10.000 đồng/kg.

Tôm cũng là một trong những mặt hàng được tiêu thụ mạnh vào dịp năm mới ở Trung Quốc. Đối với mặt hàng tôm hùm, Giám đốc Công ty Thủy sản và Thương mại tổng hợp Thành Nhơn Nguyễn Thị Anh Thư cho biết, giá tôm hùm tại các vùng nuôi hiện vẫn chưa tăng cao, tuy nhiên các hợp đồng chính ngạch đã ký với khách hàng Trung Quốc thì bắt đầu được công ty triển khai.

Để đáp ứng lượng đơn hàng tăng khoảng 40% từ phía các DN Trung Quốc, công ty đang phối hợp với các vùng nuôi để có thể thu mua tôm, chế biến phục vụ thị trường. Bên cạnh đó, công ty cũng ký được hợp đồng xuất khẩu cua Cà Mau và đã giao lô hàng chính ngạch đầu tiên để khách hàng đánh giá.

Doanh nghiệp còn nhiều việc phải làm

“Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn đối với DN Việt. Chẳng hạn như trước đây, các công đoạn đánh mã vùng trồng, bao gói sản phẩm chỉ được nước bạn giám sát trực tuyến thì nay họ có điều kiện đi lại để kiểm tra trực tiếp. Nếu DN xuất khẩu nông sản nào làm ăn thiếu bài bản, thiếu chỉn chu trong tuân thủ các quy định đã giao kết thì rất dễ bị bạn hàng chấm dứt đơn hàng” – ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) lưu ý.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Trung Quốc là nước có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất với Việt Nam là 177,7 tỷ USD trong năm 2022, trong đó, nhập khẩu đạt 58,4 tỷ USD tăng 4,5%, xuất khẩu 119,3 tỷ USD tăng 7,9% so với 2021. Song hai mức này đều thấp hơn mức tăng chung của xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam cả năm 2022. Tới đây, khi thị trường Trung Quốc mở cửa, các hoạt động giao thương phục hồi sẽ tác động tích cực đến xuất nhập khẩu.

Bộ Công Thương khuyến cáo các DN, địa phương, đặc biệt là địa phương có vùng sản xuất nông sản tập trung xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, tiếp tục cập nhật thông tin về tình hình hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc và phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong công tác điều phối lưu lượng hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn.

Thông tin từ Bộ Công Thương, mới đây, Văn phòng cửa khẩu Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây thông báo sẽ duy trì thông quan trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Từ ngày 21/1 - 27/1 (tức ngày 30 tháng chạp đến mùng 6 Tết), tất cả cửa khẩu biên giới trên địa bàn Quảng Tây thực hiện thông quan hẹn trước. Động thái này cho thấy, Trung Quốc đã khôi phục toàn diện hoạt động thông quan qua các cửa khẩu biên giới, nên hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc sôi động hơn trong thời gian tới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng nguồn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.