Đồng bằng sông Cửu Long: Tất bật chống mặn xuyên Tết

Hạnh Mai (T/h)|18/01/2020 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Năm nay, triều cường đến sớm, nước trên thượng nguồn sông Mekong về ít, mặn từ các cửa sông vì thế đã xâm nhập sớm và có thể xảy ra ở thời điểm Tết Canh Tý.

Trước thực tế nước mặn đã bao trùm toàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng phải ban bố tình huống khẩn cấp, đồng thời giao nhiệm vụ cho từng địa phương, sở ngành có biện pháp cụ thể để chống chọi với hạn, mặn.

Tương tự Bến Tre, tỉnh Long An cũng bị nước mặn xâm nhập sớm thông qua sông Vàm Cỏ. Ngày 15-1, bà Đinh Thị Phương Khanh – phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An – cho biết qua khảo sát, dự kiến tình hình hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 sẽ gây thiệt hại đến hơn 14.000ha lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh.

Hơn 8.300 hộ dân ở các huyện vùng hạ Cần Giuộc, Cần Đước sẽ có khả năng thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt, thị trấn Cần Giuộc có khả năng bị thiếu nước nghiêm trọng do các giếng khoan của công ty cấp nước bị nhiễm mặn phải trám bít giếng, nguồn nước thay thế giải quyết không kịp thời.

Do đó, hiện UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các phương án bổ sung cấp đủ nguồn nước cho các dự án cấp nước vùng hạ như liên hệ với các công ty thi công tạm đường ống dẫn nước xuống hai huyện Cần Giuộc, Cần Đước, chỉ đạo Công ty cổ phần Công trình đô thị Cần Giuộc mua nước của Công ty cấp nước Hà Lan và bổ sung nguồn nước từ nhà máy nước khác gần địa bàn.

Mặn xâm nhập sâu ảnh hưởng tới sản xuất

Đối với các hộ dân sống phân tán trong vùng ảnh hưởng hạn mặn, thiếu nước, tỉnh Long An đã chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng bể chứa nước mưa, bộ lọc nước sạch hộ gia đình.

Ngoài ra, trước mắt Long An cũng đã khẩn trương tổ chức đấu thầu và triển khai thi công đối với các công trình thủy lợi đã được bố trí vốn, đặc biệt tổ chức thi công đắp các đê quay, đập tạm trên tuyến rạch cắt ngang quốc lộ 62 như rạch Bà Hai Màng, Ông Nhượng, Bà Định, Thủ Cồn, La Khoa, Bến Kè nhằm chống xâm nhập mặn vùng dự án Bắc Đông, liên quan đến các vùng nông nghiệp 2 tỉnh Long An, Tiền Giang.

Riêng đối với khu vực thuộc hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo – Tấn Trụ, khả năng ảnh hưởng mặn trong năm 2020 rất nghiêm trọng, dự báo từ tháng 1-2020 trở đi sẽ không thể bổ sung nước ngọt.

Do đó các địa phương trong khu vực cần khảo sát, thi công ngay các đập tạm đầu các kênh cấp 1, 2, 3 nội đồng, tập trung bơm nước nhiều cấp để trữ nước trong nội đồng và tạo không gian, hạ thấp mực nước ngoài kênh trục chính để bổ sung nguồn nước trữ đảm bảo phục vụ trong mùa khô.

Hồ chứa nước Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre là một trong những công trình ứng phó với tình trạng hạn mặn ở Bến Tre – Ảnh: M.TR

Ứng phó trước, trong và sau Tết Nguyên đán

Các địa phương vùng ĐBSCL đều đã có phương án giảm thiểu tác hại của xâm nhập mặn; kể cả trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán.

Trước hết, đó là việc vận hành hệ thống cống ngăn mặn ven biển. Các tỉnh ven biển như Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang) đã lên phương án bơm trữ gạn ngọt khi triều thấp, chủ động trữ nước ở các thời kỳ khan hiếm nước ngọt khi mặn vào sâu.

Tại Bến Tre, cùng với quyết định công bố tình huống khẩn cấp do mặn xâm nhập của UBN tỉnh, thì các vùng trồng hoa, cây giống, cây ăn quả tại các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, thành phố Bến Tre… đã và đang tiếp tục trữ nước ngọt trong mương vườn, dùng các dụng cụ chứa nước để dự trữ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, trồng trọt và chăn nuôi. Đối với diện tích hơn 2.000 ha lúa đã xuống giống tại huyện Giồng Trôm, Ba Tri khuyến cáo ngưng chăm sóc, bón phân để giảm thiệt hại.

Người dân chuẩn bị lu chứa nước ngọt

Tại huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang), nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhất là nước sinh hoạt, chính quyền địa phương đã hỗ trợ các hộ dân xây bồn chứa dự trữ nước sinh hoạt. Tỉnh cũng đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công lắp đặt các công trình bơm tưới tại các cống, với mục tiêu bảo vệ sản xuất cho trên 138.000 ha lúa đông xuân, hoa màu, cây ăn trái và trên 536.000 người dân các huyện vùng ven biển. Đặc biệt là việc tận dụng các ô bao ngăn lũ và triều cường; đóng các cống, đắp đập ngăn mặn.

Tại Hậu Giang, lãnh đạo Sở NNPTNT cho biết, nhiều hệ thống cống ngăn mặn đã đóng để bảo vệ diện tích đất trồng trọt. Cùng đó, ngành thủy lợi túc trực kiểm tra độ mặn thường xuyên để khuyến cáo nông dân chủ động ứng phó. Tuy nhiên, điều lo lắng là các đập thủy điện thượng nguồn Mekong giảm xả nước ảnh hưởng đến ĐBSCL đúng vào những ngày Tết Nguyên đán. Cùng đó là triều cường từ biển lên cao, lấn sâu vào nội động. Vì thế, diễn biến nước mặn xâm nhập sẽ hết sức phức tạp.

Khi cái tết đã đến thì ĐBSCL lại phải lo chống xâm nhập mặn, lo đủ nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Các phương án chủ động phòng chống, thích ứng đã được triển khai với hy vọng giảm thiểu mức độ ảnh hưởng ở mức thấp nhất.

Hạnh Mai (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long: Tất bật chống mặn xuyên Tết