Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, dòng chảy về châu thổ sông Mê Công phụ thuộc vào điều tiết thủy điện. Hai yếu tố thượng lưu quan trọng đến diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie ở Campuchia.
Theo ghi nhận tại trạm Kratie (Campuchia) đã đạt mức 10,92m, cao hơn mực nước trung bình mùa khô 2015-2016 là 2,93m và 2020-2021 là 2,36m. Dung tích Biển Hồ hiện khoảng 3 tỷ m3, cao hơn dung tích trung bình 5 năm qua khoảng 1,37-1,83 tỷ m3.
Dòng chảy về ĐBSCL cao hơn trung bình nhiều năm
Trong tuần qua, mưa xuất hiện nhiều nơi ở ĐBSCL với lượng mưa bình quân khoảng 60-80mm, có nơi trên 120mm. Dự báo tuần tới, ĐBSCL sẽ tiếp tục có mưa xuất hiện trên diện rộng với lượng mưa khoảng 60-80mm.
Lưu lượng mưa bình quân tháng 5-2022 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, cùng với việc thủy điện Trung Quốc xả nước đã làm giảm nước mặn xâm nhập.
Trước đó, trong tuần thứ 2 của tháng 4-2022, xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) xuống hạ lưu dao động trong khoảng từ 1.123m3/s đến 1.916m3/s. Mực nước tại Cảnh Hồng ở mức 536,46m, tương ứng với lưu lượng khoảng 1.332m3/s.
Các hồ chứa trên lưu vực sông Mê Công còn dung tích điều tiết bình quân vào khoảng 43,8%, tương đương với tổng dung tích còn khoảng 28,7 tỷ m3.
Minh Anh