Đồng Nai: Tăng cường nhiều giải pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi

Thu Phương|27/02/2023 13:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đồng Nai là nơi tập trung các trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, những năm gần đây, các cơ sở trên địa bàn tỉnh đã tích cực ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ nhằm xử lý chất thải trong chăn nuôi, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường.

Theo báo cáo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, chăn nuôi là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh (chiếm 61,83%) và đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp tỉnh. Chăn nuôi của tỉnh có 2 loại vật nuôi chủ lực là lợn và gà. 

Tổng đàn lợn của tỉnh hiện đạt trên 2,6 triệu con, tăng gần 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng đàn gà đạt 26 triệu con, tăng hơn 4,5% so với cùng kỳ… Hiện, toàn tỉnh có 255 cơ sở chăn nuôi đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; có 95 cơ sở chăn nuôi quy mô lớn cam kết bảo vệ môi trường; có 7.684 công trình khí sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi; có 1.748 trang trại chăn nuôi có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, đạt tỷ lệ gần 91%. 

xu-ly-chat-thai-chan-nuoi(2).jpg
Đa phần các cơ sở chăn nuôi vẫn đang áp dụng xử lý chất thải bằng hầm khí biogas.

Các trang trại có quy mô lớn, chất thải được thu gom và xử lý bằng các hình thức như: Ủ phân, ủ compost, sơ chế phân, sử dụng máy ép phân. Nước thải được xử lý bằng phương pháp lý - sinh - hóa kết hợp… Tuy nhiên, khó nhất trong xử lý chất thải nuôi lợn hiện nay là mùi hôi. 

Tại huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) có gần 800 cơ sở chăn nuôi lợn với khoảng 147.000 con. Đa phần các cơ sở vẫn đang áp dụng xử lý chất thải bằng hầm khí biogas. Nước thải qua bể lắng lọc rồi ngấm xuống đất hoặc thải ra môi trường; phân lợn thu gom ủ hoai bón cây trồng hoặc bán cho cơ sở sản xuất phân bón, các cơ sở chủ yếu sử dụng nước men vi sinh IMO tự chế để phun xịt khử mùi hôi trong chăn nuôi. 

Phó Trưởng phòng TN&MT Huyện Cẩm Mỹ Nguyễn Thị Xuân Viên cho biết, thời gian qua, số lượng các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện tăng mạnh. Để hạn chế ô nhiễm môi trường, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở chăn nuôi vi phạm về môi trường. 

Theo đó, hiện Đồng Nai đang là địa phương thí điểm nuôi trùn quế để xử lý chất thải chăn nuôi. Áp dụng giải pháp này, lợn được bổ sung men vi sinh vào thức ăn để giảm mùi hôi, phân lợn và nước rửa chuồng được đưa vào máy vắt, từ máy vắt này nước đưa xuống hệ thống lọc băng sinh khối để tái rửa chuồng, còn bã phân làm thức ăn cho trùn quế. Phân trùn được dùng sản xuất phân bón hữu cơ, còn con trùn bán làm thức ăn cho gia cầm, thủy sản..., giúp trang trại tiết kiệm chi phí nhờ tuần hoàn nước, bán phân và con trùn quế; xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường… 

xu-ly-chat-thai-chan-nuoi.jpg
Nuôi trùn quế để xử lý chất thải chăn nuôi.

Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường; thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Cơ quan chức năng cũng tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. 

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tăng cường hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thu gom, xử lý chất thải theo Thông tư số 12/2021/TT-BNNPTNT ngày 26-10-2021 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; xử lý nước thải chăn nuôi để sử dụng cho cây trồng theo Thông tư số 28/2022/TT-BNNPTNT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng; tổ chức sản xuất theo các quy trình chăn nuôi an toàn (VietGAP, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học...).

Bài liên quan
  • Tuyên Quang: Chú trọng xử lý chất thải nguy hại từ nông nghiệp
    Để giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp, trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu xây dựng, lắp đặt bổ sung 6.000 bể chứa và 96 khu vực lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đồng Nai: Tăng cường nhiều giải pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.