Tuyên Quang: Chú trọng xử lý chất thải nguy hại từ nông nghiệp

Mai Anh|22/02/2023 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Để giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp, trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu xây dựng, lắp đặt bổ sung 6.000 bể chứa và 96 khu vực lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh.

Tính đến cuối năm 2021, lượng, loại thuốc BVTV sử dụng trên địa bàn tỉnh khoảng 346 tấn/năm và ước tính lượng vỏ bao bì thuốc BVTV chiếm khoảng 10%, tương đương 30 đến 35 tấn/năm. Theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), gói thuốc BVTV sau khi được thu gom về các bể chứa, lưu chứa không quá 12 tháng, chủ nguồn phát thải nguy hại phải ký hợp đồng với cơ sở đủ điều kiện xử lý chất thải nguy hại để tiêu hủy. 

chat-thai-nguy-hai-nong-nghiep.jpg
Bộ TN&MT cũng quy định, bao, gói thuốc BVTV không được chôn lấp, đốt thủ công ngoài môi trường.

Bộ TN&MT cũng quy định, bao, gói thuốc BVTV không được chôn lấp, đốt thủ công ngoài môi trường tự nhiên bởi những vỏ bao, gói bị đốt không đúng quy cách sẽ sinh ra chất dioxin, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, hệ miễn dịch của con người. 

Hiện, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có trên 5.400 bể chứa, 41 kho xử lý rác thải được xây dựng, lắp đặt. Tuy nhiên, công tác thu gom, xử lý lượng chất thải nguy hại này tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. 

Mới đây, UBND tỉnh đã triển khai Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022-2025. Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả cũng như việc thu gom, vận chuyển và xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đảm bảo theo đúng quy định; tạo cơ sở để phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ; bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng; thực hiện tốt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. 

Cụ thể, trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu xây dựng, lắp đặt bổ sung 6.000 bể chứa và 96 khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Xây dựng 08 mô hình điểm về sử dụng thuốc BVTV an toàn và thu gom, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn các huyện, thành phố.  

xu-ly-chat-thai-nguy-hai.jpeg
Tỉnh Tuyên Quang chú trọng xử lý chất thải nguy hại từ nông nghiệp. 

Phấn đấu ít nhất 70% bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh từ hoạt động sản xuất trồng trọt ở những khu vực sản xuất tập trung được thu gom. 100% bao gói thuốc BVTV sau sử dụng thu gom từ bể chứa, khu vực lưu chứa được vận chuyển, xử lý tiêu hủy theo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. 

Các xã, phường, thị trấn, các khu sản xuất trồng trọt tập trung trên địa bàn tỉnh sẽ được trang bị bể chứa, khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và thường xuyên tổ chức các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng một cách hiệu quả. 

Xây dựng mô hình câu lạc bộ IPM với sự tham gia của các hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp để trao đổi kinh nghiệm, tuyên truyền và phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật đặc biệt là nguyên tắc “4 đúng”, “5 quy tắc vàng” trong sử dụng thuốc BVTV cho cây trồng nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến năm 2025, hoàn thiện hệ thống bể chứa, khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các xã, phường, thị trấn sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh đảm bảo đủ số lượng, tiêu chí bảo vệ môi trường theo quy định, lồng ghép với quy hoạch nông thôn mới, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), 3 giảm 3 tăng, SRI ... khuyến khích thực hiện áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, hỗ trợ việc sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, thuốc thảo mộc, thuốc thế hệ mới trong sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu nguồn rác thải, đặc biệt là bao gói thuốc BVTV trong sản xuất trồng trọt.

Xây dựng các mô hình điểm về sử dụng thuốc BVTV an toàn và thu gom, vận chuyển bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn các huyện, thành phố; Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện mô hình làm căn cứ để các địa phương nhân rộng trên địa bàn quản lý đảm bảo theo đúng quy định. 

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, Hợp tác xã, người sản xuất về việc quản lý nguồn chất thải từ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Tổ chức tập huấn hằng năm cho cán bộ quản lý, công chức, viên chức phụ trách lĩnh vực môi trường, trồng trọt, bảo vệ thực vật; các tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc BVTV nắm vững kiến thức và các quy định liên quan đến thuốc BVTV để hướng dẫn cho người dân trong sử dụng, thu gom, vận chuyển, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

Bài liên quan
  • Lý do Hà Nội dừng triển khai thực hiện đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại
    Hà Nội dừng triển khai thực hiện Đề án "Thu gom, xử lý chất thải nguy hại thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất các biện pháp tăng cường công tác quản lý chất thải nguy hại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhằm đảm bảo các mục tiêu đã đặt ra đối với công tác thu gom, xử lý chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên Quang: Chú trọng xử lý chất thải nguy hại từ nông nghiệp