Ngày 7/9, tại cuộc họp giao ban về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã bày tỏ quyết tâm xét nghiệm diện rộng và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trong 10 ngày tới. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương, nhất là các “điểm nóng” về dịch bệnh cần tập trung nhân lực, vật lực, tài lực để xét nghiệm diện rộng.
Ảnh minh họa
Đối với những khu dân cư có số lượng F0 chiếm đa số, địa phương cần xem xét hình thành khu điều trị dã chiến nếu có đủ điều kiện; dân cư còn lại được đưa ra khu vực khác. Đối với các khu vực không đủ điều kiện thì sau khi tăng tốc xét nghiệm ngày đêm sẽ thực hiện việc cách ly như bình thường. Lưu ý, việc khoanh vùng khu dân cư làm khu điều trị dã chiến phải làm chặt, tránh tình trạng phải di dời số lượng lớn người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cũng đề nghị ngành y tế hướng dẫn cho người dân về các triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19 để người dân tự test tại nhà và thông báo cho cơ sở y tế nếu có kết quả dương tính để được hỗ trợ; chỉ đạo các hiệu thuốc bán các bộ test nhanh COVID-19 để phục vụ nhu cầu người dân.
Tính đến sáng 8/9, toàn tỉnh đã ghi nhận thêm 754 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 toàn tỉnh lên 31.332 ca. Trong đó có 13.286 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh.
Trong số 754 ca bệnh mới ghi nhận trên địa bàn tỉnh có 5 ca phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, 626 ca trong khu cách ly và 123 ca trong khu phong tỏa. Ghi nhận nhiều nhất ở Biên Hòa (94 ca); Trảng Bom (22 ca); 4 ca tại các doanh nghiệp.
Có tổng số 1.112.752 liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm cho 1.090.587 người trên địa bàn tỉnh, (chiếm tỉ lệ 46,6% đối tượng trên 18 tuổi toàn tỉnh), trong đó có 62.165 người đã tiêm đủ liều.
Được biết, Sở Y tế Đồng Nai cũng đã có văn bản giao Giám đốc Trung tâm y tế các huyện, thành phố xây dựng, làm đầu mối thiết lập các Trạm y tế lưu động tại địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các Trạm y tế lưu động thực hiện nhiệm vụ theo phân công; trực cấp cứu 24/7 để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mỗi Trạm y tế lưu động có ít nhất 5 nhân viên y tế, trong đó có ít nhất một bác sĩ. Ngoài nhân viên y tế trong biên chế, có thể huy động sự tham gia của đội ngũ y tế tư, nhân viên y tế đã nghỉ hưu, nhân viên y tế và tình nguyện viên từ địa phương khác. Trạm y tế lưu động có nhiệm vụ quản lý, theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà và cộng đồng, xét nghiệm, tiêm vắc xin phòng COVID-19, khám, điều trị và cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác.
Hà An