Dòng người đổ về núi Ngàn Nưa những ngày đầu năm

Sơn Hà|23/02/2024 17:45
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Những ngày đầu xuân, huyệt thiêng Am Tiên ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá, hay gọi là huyệt khí dương linh thiêng thu hút hàng nghìn du khách đến thắp hương cầu mong một năm gặp nhiều may mắn.

Ngay từ sáng sớm ngày 18/2 (tức mùng 9 tháng Giêng) ngày mở cổng trời, dòng người đổ về Đền Nưa - Am Tiên chật như nêm. Ai cũng muốn tìm về cõi thiêng này để cầu mong sức khỏe, may mắn, bình an, một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

at(1).jpg
Dòng người đổ về Đền Nưa - Am Tiên

Các hoạt động thắp hương, chiêm bái của người dân và du khách diễn ra thành kính, trật tự, không có cảnh chen lấn, xô đẩy khi dâng hương.

am-5.jpg
Các hoạt động thắp hương, chiêm bái của người dân và du khách diễn ra thành kính

Theo ông Lê Quang Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển Nưa, đơn vị phụ trách công tác vận chuyển hành khách tại lễ hội đền Nưa cho biết: Để đảm bảo phương tiện đi lại, vận chuyển người dân vào dịp lễ Tết đầu năm Giáp Thìn 2024, chúng tôi đã đầu tư chỉnh trang các phương tiện, bãi xe, bố trí cán bộ, công nhân trông coi, vận chuyển du khách lên huyệt đạo nằm trên đỉnh núi Nưa. Ban Quản lý di tích đã bố trí 14 xe ô tô để vận chuyển du khách lên xuống, trong đó có 2 xe di chuyển phục vụ trong khu vực đền để giải quyết các công việc nội bộ, còn lại là phục vụ du khách.

at2.jpg
Các xe ùn 

“Ngày 9/2 Âm lịch huyện Triệu Sơn phối hợp với chính quyền thị trấn Nưa tổ chức lễ hội đền Nưa - Am Tiên năm 2024. Do đó, ngày chính lễ đã thu hút đông đảo du khách thập phương tìm về đây cầu lộc, cầu tài, nên việc tổ chức vận chuyển người dân đi lại gặp nhiều khó khăn và có phần quá tải. Tuy nhiên, Ban Quản lý di tích đã bố trí các phương tiện vận chuyển ưu tiên cho người già, trẻ em lên trước, sau đó mới bố trí vận chuyển những người khác lên sau hoặc đi bộ lên đỉnh Am Tiên để vãn cảnh nên không thể tránh khỏi những thiếu sót", ông Sơn nói.

at-(1).jpg
Ai cũng muốn tìm về cõi thiêng này để cầu mong sức khỏe, may mắn

Huyền tích Am Tiêm

Nằm cách thành phố Thanh Hóa gần 20km về phía Tây Nam. Huyệt đạo Am Tiên nằm trên đỉnh núi Nưa, thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa với độ cao khoảng 500m (so với mực nước biển). Nơi đây từ xa xưa các pháp sư phong thủy đã đánh giá là một trong những huyệt khí thiêng nhất nước ta gắn với nhiều giai thoại ly kỳ.

Theo ghi chép tại sách Đại Nam thống nhất chí, núi Nưa trước có tên là Na San (núi đuổi ma) ở sở Tinh Mễ, xã Quần Ngọc phía Tây của huyện Nông Cống. Mạch núi vốn được bắt nguồn từ huyện Lôi Dương, nay thuộc huyện Thọ Xuân. Để đánh đuổi ma quỷ, trừ hại cho dân, trên đỉnh núi đã xuất hiện một vị tu sĩ dùng phép thuật chấn yểm yêu ma. Đồng thời cho xây lên một ngôi chùa cổ còn gọi là Am Tiên. Bên dưới chùa, vị Tu sĩ đã đào 1 cái giếng để âm dương hài hòa, ngũ hành tương sinh. Từ đó, linh khí của đất trời đã hội tụ về nơi đây, biến nơi này thành huyệt dương khí.

at3.jpg
Ban Quản lý di tích đã bố trí các phương tiện vận chuyển ưu tiên cho người già, trẻ em lên trước

Trên đỉnh núi Nưa hay còn gọi là ngàn Nưa, có động Am Tiên, Giếng Tiên, Bàn cờ Tiên, Vườn Thuốc Tiên và Vườn Đào Tiên mà sử sách và truyền thuyết đã nhắc đến như một chốn tu tiên đắc đạo.

Từ cổng đền Am Tiên đi vào sâu bên trong khoảng hơn 100m, du khách hành hương sẽ thấy một khoảng đất rộng, được rào chắn kỹ lưỡng, bán kính khoảng 21m, đây chính là huyệt thiêng, hay gọi là huyệt khí dương.

Theo các nhà phong thủy, đây là điểm hội tụ giao hòa của đất - trời, hay còn gọi là nơi mở cửa trời, tất cả những tinh hoa và linh khí của trời đất sẽ được hội tụ tại huyệt đạo thiêng này. Bốn hướng huyệt đạo đều có bốn bát hương, ở giữa có một bát hương của thổ thần ứng với Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ.

at6.jpg
Tu sĩ đã đào 1 cái giếng (Giếng Tiên) để âm dương hài hòa, ngũ hành tương sinh

Tại huyệt đạo Am Tiên, có thể cảm nhận được sự chuyển động của vũ trụ và có những câu chuyện huyền bí đã xảy ra mà cho đến giờ vẫn chưa thể lý giải được. Đứng trên huyệt đạo có thể nhìn thấy 4 phương 8 hướng đất trời. Bên huyệt đạo, con người như được tiếp thêm năng lượng, sinh khí của đất trời.

Theo Đại Việt Sủ Ký Toàn Thư, năm 248, Triệu Thị Trinh (tức Bà Triệu) cùng người anh trai Triệu Quốc Đạt, một huyện lệnh có thế lực trong vùng, đã tập hợp nghĩa sĩ, chọn núi Nưa làm căn cứ để luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi quân Đông Ngô xâm lược.

am-7.jpg
Đây là dịp để giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và những nét đẹp văn hóa của dân tộc

Để xây dựng căn cứ kháng chiến chống quân Đông Ngô, bà Triệu đã chọn Ngàn Nưa là nơi hiệu triệu nghĩa quân, bởi theo lời sấm truyền: Dãy Ngàn Nưa được tạo thành từ bảy ngọn núi xếp liền kề tạo thế rồng cuốn, đầu nhô cao như đầu hổ vươn mình về biển Đông - nơi đặt Am Tiên, đứng ở nơi đây hét lớn tứ phía đều nghe rõ.

Cuộc khởi nghĩa sau đó tuy đã bị đàn áp bởi danh tướng Lục Dận (cháu của Lục Tốn) có nhiều mưu hèn kế bẩn, nữ tướng phải tuẫn tiết ở núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) nhưng câu nói của bà thể hiện tính hiên ngang bất khuất: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta” được thế hệ sau lưu truyền như một lời thề bảo vệ non sông đất nước.

am-8.jpg
Thời tiết thuận lợi đã góp phần giúp đỉnh Am Tiên hút khách

Lễ hội đền Nưa - Am Tiên được tổ chức kéo dài đến ngày 20 tháng Giêng. Ngay từ những ngày đầu năm, du khách đã hành hương đến huyệt đạo linh thiêng này để cầu mong những điều tốt lành cho năm mới và chờ đón ngày “mở cửa trời”. Trong ngày hội chính, từ sáng sớm lễ hội đã bắt đầu với màn rước cỗ dâng lễ vật bằng kiệu bát cống với những sản vật là hoa quả và bánh dầy - một đặc sản của địa phương được làm bằng gạo nếp cái hoa vàng… để làm lễ tế thiên địa, thần linh và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dòng người đổ về núi Ngàn Nưa những ngày đầu năm