Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) với cảnh quan sông nước tuyệt đẹp cùng một màu xanh của rừng tràm ngút ngàn. Đây là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới đang được bảo tồn đa dạng sinh học.
Hiện diện tích tự nhiên của vườn khoảng 7.300 ha với hơn 130 loài thực vật bậc cao, 231 loài thuộc hệ chim nước, 130 loài cá nước ngọt, 185 loài thực vật nổi, 93 loài động vật nổi, 90 loài động vật đáy… Trong đó, có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam có nguy cấp mất dần hoặc bị đe dọa tồn tại trong tương lai gần.
Môi trường sống của hệ động thực vật Vườn Quốc gia Tràm Chim đang bị xâm hại nghiêm trọng
Theo nhiều nhà khoa học, thời gian qua, tác động của biến đối khí hậu (BĐKH) đến đa dạng sinh học của VQG như lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, xói mòn, sụt lở đất… đã làm suy thoái đa dạng sinh học, tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động thực vật, biến mất các nguồn gien quý hiếm. Tác động của BĐKH cũng sẽ làm thay đổi chuỗi thức ăn của các loài thủy sản.
BĐKH có xu hướng làm nhiệt độ ngày càng tăng, gây ra hạn hán, nước cạn kiệt, dễ cháy trong mùa khô… Những tác động đó làm ảnh hưởng đến điều kiện sống của một số loài chim di cư, đặc biệt là sếu đầu đỏ. Năm 1998, lượng sếu đầu đỏ về VQG Tràm Chim là 1.052 con, đến năm 2017 còn 9 con, năm 2018 và đến tháng 2-2019 đều chỉ có 11 con.
Ngoài ra, thêm các loài nguy cấp cá Hô, ngan cánh trắng, cò thìa, già đẫy lớn, ô tác (công đất, công sấm); loài bị đe dọa tồn tại trong tương lai gần như cá còm, cá lóc bông, cá duồng, cá mang rổ, cá ét mọi, cá duồng bay, cá ngựa nam, sếu đầu đỏ, đại bàng đen, bồ nông chân xám, già đẫy Java (già sói), già đẫy lớn. Vườn còn có các loài hiếm có thể sẽ nguy cấp như lúa ma (lúa trời), ráng gạt nai, dây choại, cốc đế, bạc má, cò lạo Ấn Độ, giang sen, cò nhạn (cò ốc).
Nỗi lo về hệ sinh thái VQG bị tác động đang dần hiện thực. Cây cỏ năn bị ngập úng sẽ không còn củ hoặc quá khô thì không phát triển. Đặc biệt là rừng tràm, nếu bị ngập nước lâu ngày sẽ bị đổ hoặc kém phát triển. Nếu quá khô, tràm rất dễ cháy, tác động lớn đến cả vùng. BĐKH còn tác động đến tình hình thủy văn – yếu tố quyết định đến hệ sinh thái đất ngập nước Tràm Chim.
Lãnh đạo VQG Tràm Chim cho rằng để bảo tồn đa dạng sinh học của vườn, ngoài việc quản lý tốt mực nước tạo môi trường sống cho các thảm thực vật, các loài động vật, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sinh kế hợp lý cho người dân xung quanh khu vực VQG, qua đó cùng huy động lực lượng này trong nhiệm vụ bảo vệ đa dạng sinh học của khu Ramsar. VQG sẽ tăng cường việc bảo tồn đa dạng đàn sếu, trong đó có cải tạo lại bãi ăn, bãi nghỉ. Mặt khác, đơn vị này đang đề xuất UBND tỉnh thông qua đề án bảo tồn sếu.
TS Dương Văn Ni đề nghị muốn bảo tồn đa dạng sinh học của VQG Tràm Chim thì cần xác định cụ thể đối với sinh cảnh là ưu tiên cho đồng cỏ rồi mới đến rừng tràm. Nếu giữ mực nước cao và lâu sẽ làm suy thoái đồng cỏ. Khả năng phục hồi đàn sếu tự nhiên rất thấp, phải phục hồi qua hình thức nuôi nhốt nhưng phải mất 5-10 năm.
Nhật Lệ (T/h)