Mùa mưa năm nay tại TPHCM và Nam Bộ sẽ kết thúc muộn hơn trung bình nhiều năm
Liên tục những ngày qua, TPHCM và các tỉnh, thành Nam Bộ xuất hiện mưa lớn trên diện rộng làm ngập úng nhiều tuyến đường.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong đêm qua và sáng sớm nay (9/10), ở khu vực khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 8/10 đến 3 giờ ngày 9/10 có nơi trên 70mm như: Tân Bình (Tây Ninh) 89.2mm,…
Dự báo ngày và đêm 9/10, ở khu vực từ Bình Định đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm (thời gian mưa dông tập trung vào chiều và tối).
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Trong khi đó, theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện nay rãnh áp thấp xích đạo có trục ở khoảng 7-10 độ vĩ Bắc kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao tác động và gây mưa cho khu vực Nam bộ. Tổng lượng mưa trong 10 ngày đầu tháng 10 phổ biến từ 70 - 170 mm, xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm.
Trong 10 ngày giữa tháng 10 (từ 10 -20/10), rãnh áp thấp có khả năng hoạt động mạnh trở lại. Thời tiết khu vực phổ biến có mưa, mưa rào rải rác đến nhiều nơi. Cần đề phòng khả năng có những đợt mưa trên diện rộng với một vài nơi có mưa vừa, mưa to đến rất to kéo dài một vài ngày. Đề phòng dông, lốc, sét, gió giật có khả năng xuất hiện trong những cơn mưa dông. Tổng lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, từ 90-160mm.
Trong 11 ngày cuối tháng 10, khu vực Nam Bộ chịu ảnh hưởng chủ yếu của rìa phía nam lưỡi áp cao lạnh lục địa và phía bắc rãnh áp thấp có trục ở khoảng 4-7 độ vĩ bắc; gió đổi hướng đông bắc cường độ yếu đến trung bình. Trong thời gian này, Biển Đông khả năng sẽ xuất hiện bão hoặc áp thấp nhiệt đới gây mưa diện rộng trên khu vực trong một vài ngày. Tổng lượng mưa trong thời gian này sẽ cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, phổ biến từ 70-100mm.
Như vậy, trong những ngày giữa và cuối tháng 10, TPHCM và các tỉnh, thành Nam Bộ khả năng tiếp tục đón các đợt mưa lớn diện rộng. Mùa mưa năm nay khả năng kết thúc vào khoảng xấp xỉ đến muộn hơn trung bình nhiều năm từ 5-10 ngày và phổ biến trong khoảng giữa tháng 12.
Dự báo trong nửa đầu tháng 11, cũng sẽ có 1-2 đợt mưa diện rộng nhưng đợt mưa này có lượng phổ biến nhỏ đến vừa, mưa lớn không còn nhiều nữa.
Cảnh báo lũ tại Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 8/10, mực nước lũ tại ĐBSCL tiếp tục ở mức cao. Trên sông Hậu tại TP Long Xuyên (An Giang) đạt mức 2,47m, vượt báo động 2 là 0,27m. TP Long Xuyên hiện là nơi chịu tác động lớn của mực nước lũ đầu nguồn đổ về và triều cường dâng cao. Trong khi đó, mực nước ở vùng đầu nguồn chỉ dao động ở cấp báo động 1.
Tại Đồng Tháp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Tấn Đạt cho biết, đỉnh lũ năm nay dự báo sẽ diễn ra từ ngày 18/10 đến 20/10, một số nơi trên địa bàn tỉnh có nguy cơ bị ngập.
Theo dự báo, mực nước tại khu vực đầu nguồn (ven sông Tiền) đang ở mức cao hơn cùng kỳ năm trước từ 17-42cm, cao hơn trung bình nhiều năm từ 16-17cm và đạt đỉnh vào ngày 18 đến 20/10. Còn khu vực nội đồng huyện Tháp Mười, mực nước sẽ cao hơn cùng kỳ năm trước từ 20-32cm.
Tại Hậu Giang, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước, triều cường tới người dân nhằm nâng cao ý thức trong việc ứng phó có hiệu quả giảm bớt thiệt hại.
Dự báo trong 10 ngày tới (từ ngày 17 đến 18/10), mực nước ở các vùng đầu nguồn sông Cửu Long sẽ vượt báo động 2. Trong khi đó, các địa phương vùng hạ lưu như TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu mực nước sẽ vượt báo động 3 do lũ kết hợp với triều cường.