Đột nhập “bến cát Thạch Sanh” ở Quảng Nam

31/12/2018 03:26
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bí ẩn ở bến tập kết cát Viêm Trung

– Khu Viêm Trung, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn hiện có 2 bến bãi tập kết cát. Theo phản ánh của người dân, đây là các bãi cát “Thạch Sanh”: sáng sớm, cát ở 2 bãi chất cao như núi, lên đến hàng chục nghìn m3; đến chiều tối, sau nhiều trăm lượt xe tải vào “ăn” cát, các bến bãi này chỉ còn lại vài trăm m3. Thế nhưng, chỉ qua một đêm, lượng cát lại đầy, lên đến hàng chục nghìn. Điều đáng nói ở đây là, UBND tỉnh Quảng Nam quy định giờ giấc, hoạt động của các mỏ, bến bãi rất chặt chẽ: “Chỉ hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi, sạn vào ban ngày, cụ thể như sau: Từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày đối với tháng 1 đến hết tháng 9 dương lịch hàng năm. Và từ 6 giờ đến 17 giờ đối với tháng 10 đến hết tháng 12 dương lịch hàng năm. Nếu vi phạm sẽ bị đình chỉ khai thác. Như vậy, ở Quảng Nam đang có các mỏ cát “Thạch Sanh”, chuyện cổ tích là có thật???

>> Điện Bàn, Quảng Nam: Tại sao “cát tặc” vẫn có nhiều đất để diễn…?  

>> Quảng Nam: Cần xử lý nghiêm nạn khai thác cát trái phép ở bãi bồi sông Thu Bồn

Để tận mục sở thị, sau 18h ngày 28/12/2018 phóng viên moitruong.net.vn cùng một đồng nghiệp đã có mặt ở Viêm Trung. Lúc này, gió mùa Đông Bắc đã về, gió to, mưa dầm và lạnh. Sau hơn 30p vật lộn với ruộng lầy, cây mai dương gai góc, cùng đám máy móc lỉnh kỉnh, những bãi cát “Thạch Sanh” đã dần lộ diện.
Khoảng 20h30 phút tối, sau hơn 2 tiếng dầm mưa, chúng tôi bắt đầu có tiếng ầm ì nặng nề của những chiếc tàu. Ít phút sau, từ khoảng hơn 500m, chiếc tàu đầu tiên bắt đầu lộ diện, nhấp nháy đèn pha xin cập bến. Trên bờ cũng có tín hiệu đèn nhấp nháy đáp lại. Có vẻ như đó là tín hiệu an toàn nên chiếc tàu này tắt hẳn đèn, từ từ cập bến, trên mỗi chiếc tàu có chừng 60- 80 khối cát. Lúc này, những chiếc xe xúc bắt đầu hối hả đưa cát lên bờ. Khi chiếc tàu đầu tiên mới đưa lên bờ được khoảng 1/3 lượng cát trên khoang, thì đã có 1 chiếc tàu khác đậu ở bờ đối diện, chờ được lên hàng.

Bãi tập kết cát “Thạch Sanh” đang nhập lậu cát. Sự việc diễn ra nhiều năm nay nhưng dân kêu nhưng chính quyền không biết

Đến khoảng 22h, khi đêm đã về khuya thì mỗi lần tàu về không thấy nhấp nháy đèn pha nữa mà đi thẳng vào bến nếu như không có chiếc nào đậu ở đó. Hơn nữa lúc này không chỉ cập bến mỗi lần 1- 2 chiếc tàu lẻ tẻ nữa mà là 4 chiếc tàu chở đầy cát cập bến cùng lúc và 4 máy xúc trên bờ hoạt động hết công suất. Tiếng 4 chiếc tàu hòa lẫn cùng 4 tiếng máy xúc gầm rú vang vọng cả khu vực. Sau khi xuống hết cát, 4 chiếc tàu lần lượt rời đi thì lại có ngay 4 chiếc khác cập bến. Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ trong vòng 2,5 giờ đồng hồ, đã có 16 lượt tàu cập bến với số cát khai thác trái phép lên đến hàng nghìn m3. Phản ánh với phóng viên, người dân khối phố Ngân Hà, phường Điện Ngọc, ở ngay đối diện các bãi tập kết cát ở Viêm Trung cho biết: tình trạng này đã diễn ra nhiều năm rồi chứ không phải mới đây. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền các cấp nhưng không thấy cấp nào đứng ra giải quyết, bà con thấy mất lòng tin vào chính quyền nên không đứng ra kiến nghị nữa, doanh nghiệp được thể lại càng hoành hành, bất chấp pháp luật.

Báo chính quyền, phóng viên bị truy đuổi

Đến 23h, theo số điện thoại công khai của UBND tỉnh Quảng Nam để người dân với chính quyền cơ sở phản ánh về tình trạng khai thác lậu, chúng tôi đã trực tiếp gọi điện, nhắn tin cho ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Sau khi tiếp nhận thông tin, ông Thanh đã cho biết sẽ chỉ đạo người xuống hiện trường để kiểm tra.
Cùng lúc đó, phóng viên cũng điện cho Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc để cung cấp thông tin. Sau một hồi ậm ờ, ông này cho lại số điện thoại của 1 Phó chủ tịch phường tên là Trịnh Văn Lượng. Sau khi trao đổi thông tin, ông này cho biết sẽ xuống ngay hiện trường. Sau khoảng 30 phút, không thấy phản hồi từ ông Lượng, phóng viên tiếp tục gọi điện hỏi đã xuống hiện trường chưa?. Ông Lượng chỉ trả lời “ có, có”. Phóng viên tiếp tục hỏi, anh đã xuống hiện trường chưa? hay đã có mặt ở hiện trường rồi? ông này khẳng định đã có mặt tại hiện trường.
Tuy nhiên, khi phóng viên vào tận trong bến bãi tập kết, chỉ thấy 4 chiếc ghe đang sáng đèn và 4 chiếc xe múc đang hối hả đưa cát từ trên ghe xuống, không thấy mặt bất cứ một ai.

Ảnh chụp sau khi phóng viên bị lừa vào hẳn trong bãi tập kết

Lúc này, phóng viên tiếp tục liên lạc với ông Lượng, ông này cho biết: đang ở bãi bên cạnh. Phóng viên tiếp tục sang bãi bên cạnh, thì ông Lượng cho biết đang ở sâu trong bãi và đề nghị phóng viên xuống xe đi vào. Khi chúng tôi xuống xe, chuẩn bị vào sâu trong bãi thì đồng loạt 4 chiếc tàu hút cát và tất cả điện đóm ở bãi đều đồng loạt tắt. Thấy đây có vẻ là chiếc bẫy, chúng tôi đã lập tức quay trở lại xe và chạy ra ngoài. Lúc này, phía trong bãi có vài người đuổi theo. Tại đường chính, đã có 1 chiếc ô tô 4 chỗ màu trắng và 2 chiếc xe máy đang chặn đường. Đồng nghiệp của tôi khôn khéo lách qua và chạy ngược trở lại hướng Đà Nẵng. Chiếc ô tô và 2 xe máy đổi theo, đến địa phận phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng mới quay trở lại.

Đừng biến“chốt chặn” thành “chốt chăn”..!

Trên xe, chúng tôi tiếp tục điện cho Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, hỏi sao hơn 30 phút không thấy lực lượng nào đến, ông Thanh vẫn khẳng định, đã cử một ông tên Hiếu nào đó xuống hiện trường. Khi phóng viên hỏi tiếp, theo Công văn 3219/UBND – KTN ngày 15/6/2018 về việc “thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, cát sỏi trên sông Vu Gia, Thu Bồn” do chính tay ông Thanh ký thì huyện đã thành lập 5 chốt chặn, trong đó có 1 chốt tại ngã tư Điện Ngọc, cách Viêm Trung chỉ hơn 2km, chỉ vài phút đi xe là tới mà sao hơn 30 phút vẫn không thấy có mặt thì ông Thanh ậm ờ, không trả lời được.
Đối với việc ông Phó chủ tịch UBND phường Điện Ngọc lừa phóng viên vào sâu trong trong bãi một cách có chủ ý (chúng tôi có đầy đủ các tin nhắn, ghi âm cuộc gọi với lãnh đạo UBND phường Điện Ngọc, UBND tỉnh Quảng Nam cũng như ảnh, clip hiện trường) việc các đối tượng cát tặc biết được và cho người truy đuổi trong khi phóng viên chỉ thông báo cho chính quyền địa phương và lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam thì rõ ràng rất khó hiểu.
Riêng việc thành lập các chốt chặn theo Công văn 3219/UBND-KTN là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, tác dụng, hiệu quả của các chốt chặn hiện nay đang là dấu hỏi khi nhiều người dân nói với PV rằng các “chốt chặn” này được gọi là “chốt chăn”, độc miệng hơn chút nữa là “chốt chăn nuôi”. Điều đáng nói hơn cả là các chốt chặn này là do các cơ quan sử dụng ngân sách Nhà nước thành lập, sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách UBND tỉnh nên tính khả thi, hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu.

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Đức Huy


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đột nhập “bến cát Thạch Sanh” ở Quảng Nam
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.