Emagazines

Đốt rơm, rạ sau thu hoạch - Vấn đề cũ nhưng hệ lụy luôn nóng

Thái Bình 21/08/2024 17:54

Rơm rạ là phụ phẩm chính trong sản xuất lúa gạo, có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, tiềm năng kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết rơm rạ bị người dân đốt bỏ ngay trên đồng ruộng, gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

r1.jpg

Ô nhiễm không khí từ việc đốt rơm rạ

Hiện nay, tại một số địa phương, nông dân vẫn giữ thói quen đốt rơm rạ ngay tại ruộng sau khi thu hoạch lúa. Mặc dù, việc này giúp nông dân đỡ vất vả nhưng lại ảnh hưởng khá lớn đến cộng đồng, nhất là gây ô nhiễm không khí.

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tháng 5 – 6, bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa, nhiều cánh đồng lại nghi ngút khói do việc đốt rơm rạ. Việc đốt rơm rạ một cách bừa bãi gây ra rất nhiều tác hại xấu tới môi trường như: ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và sức khỏe của con người.

Trong những lúc cao điểm của mùa gặt tại các tỉnh miền Bắc, khắp các ngả đường từ làng quê đến thành phố, cứ vào khoảng 4 - 5 giờ chiều lại được bao trùm bằng khói bụi do người dân tranh thủ đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch. Khói bụi, đặc biệt là thời điểm này trùng với những ngày nắng nóng oi bức ở miền Bắc đã khiến cho không khí càng ngột ngạt hơn.

Một trong các địa phương ở vùng trung tâm hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài phải kể đến Thủ đô Hà Nội, nhiều điểm đo quan trắc ô nhiễm vượt ngưỡng đỏ lên tới ngưỡng tím (chỉ số AQI vượt 200) là ngưỡng có hại cho sức khỏe.

rom-2-.jpg

Không chỉ riêng miền Bắc, các tỉnh thành phía Nam cũng trong tình trạng tương tự, thông thường, cứ hết vụ lúa đông xuân, nông dân ở nhiều địa phương thường đốt rơm, làm đất để chuẩn bị cho vụ lúa tiếp theo.

Việc đốt rơm rạ ngay tại cánh đồng không những gây ra hậu quả có thể thấy trước mắt như ô nhiễm không khí và khói, gia tăng nhiệt độ cục bộ mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng về lâu dài do nguy cơ phát sinh các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ, tồn tại bền vững trong môi trường.

Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, ngạt thở... Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO, đây là loại khí rất độc. Người hít nhiều và kéo dài dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… Không những vậy, với lượng khói dày đặc, mù mịt sẽ làm giảm tầm nhìn, khó khăn cho các phương tiện khi tham gia giao thông.

Về lâu dài, khói bụi, khí độc hít phải sẽ gây tổn thương khó nhận thấy những nguy hiểm vì nó từ từ phá hủy bộ máy hô hấp. Trước hết là mũi họng, thanh quản bị viêm thường xuyên. Dấu hiệu ban đầu chỉ là hắt hơi, sổ mũi nhưng sau đó dẫn đến viêm mạn tính đường hô hấp trên.

Bằng mô hình tính toán lan truyền chất ô nhiễm, các nhà khoa học cho thấy, bụi và khí thải từ đốt rơm rạ có thể lan truyền trong không khí, ảnh hưởng đến cả những người không sống gần nơi đốt rơm rạ, làm tăng ô nhiễm môi trường không khí, làm tăng nguy cơ bệnh tật cho cộng đồng, đặc biệt là các bệnh về hô hấp và tim mạch.

Các chuyên gia môi trường cho rằng, đốt rơm rạ là quá trình đốt không kiểm soát và đốt không cháy hoàn toàn nên dễ phát sinh nhiều chất ô nhiễm không khí như bụi PM 2.5, PM 10, black cacbon, NOX... ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính những người dân bản địa và cả những người dân sống ở những khu vực không có hiện tượng đốt rơm rạ.

rom-3-.jpg

Một số chuyên gia y tế khuyến cáo, khói rơm rạ cũng được cho là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh liên quan đến hô hấp như phổi tắc nghẽn mãn tích, hen suyễn,…

Ngoài ra, việc đốt rơm rạ và các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp sẽ làm phát sinh các khí CO, CO2, SO2, NO2…, làm gia tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gia tăng hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.

Rơm rạ khi đốt chưa khô hoàn toàn, tạo thành những đám khói bao trùm một vùng rộng lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống chung quanh, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng hệ sinh thái và mất an toàn giao thông. Việc đốt rơm rạ làm phát sinh nhiều chất độc hại vào môi trường như các khí bụi PM10, PM2.5, BC (các-bon đen, muối than, bồ hóng), các tác nhân gây hiệu ứng nhà kính, các khí có thể tích tụ trong khí quyển gây ra tình trạng mưa axit, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) và nhiều thành phần khác.

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất sản xuất nông nghiệp

Nhiều người cho rằng, việc đốt đồng nhằm tiêu diệt mầm mống dịch hại và một phần cỏ dại mọc trên đồng ruộng, đồng thời tạo ra một lượng tro làm phân bón trở lại cho đất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp thì việc đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng gây ra những tác hại lớn hơn gấp nhiều lần so với những lợi ích mang lại cho đồng ruộng.

Đốt đồng là một sự lãng phí do đã bỏ đi nguồn dinh dưỡng lớn có trong đất. Theo GS Nguyễn Lân Dũng, khi bị đốt thành tro, các chất hữu cơ trong rơm rạ do nhiệt độ cao đều biến thành các chất vô cơ, làm cho đất ruộng bị chai cứng. Hơn nữa, phần tro than sót lại chỉ có chút ít khoáng như phốt pho, kali, canxi và silic…không giúp ích mấy cho cây trồng. Cũng theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, việc đốt rơm rạ ngay trên đồng sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất, làm đất biến chất, chai cứng hơn.

Việc đốt đồng còn có tác hại lớn là tiêu diệt nhiều vi sinh vật đất có ích, góp phần làm mất cân bằng sinh thái ruộng lúa – một trong những nguyên nhân gây bộc phát sâu bệnh trên đồng ruộng, buộc bà con nông dân phải sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, khiến cho việc sản xuất lúa ngày càng trở nên khó khăn, chi phí cao, hiệu quả thấp.

rom-4-.jpg

Theo cứu của Trung tâm Live & Learn, sau khi thu hoạch, trữ lượng rơm rạ còn lại trên đồng có thể được đưa trở lại đất bằng cách chôn vùi xuống đất nhằm mục đích trả lại các chất dinh dưỡng có trong rơm rạ cho đất. Một số nghiên cứu cho thấy rằng, việc kết hợp phân bón và rơm rạ chôn vùi trong đất có thể giúp lưu giữ một số chất dinh dưỡng như Ni-tơ (N), Phốt-pho (P), Ka-li (K) và Lưu huỳnh (S) cho cây lúa và tăng dự trữ dinh dưỡng cho đất. Rơm rạ được vùi trong đất ướt sẽ cố định tạm thời N và tăng lượng Metan (CH4) được giữ trong đất. Ngược lại, nếu rơm rạ bị loại bỏ khỏi đồng ruộng sẽ dẫn đến hiện tượng suy giảm và cạn kiệt K và Silic (Si) trong đất, còn việc đốt rơm rạ sẽ dẫn đến việc mất hầu hết hàm lượng các thành phần nói trên.

Lượng dinh dưỡng mất mát tuỳ thuộc vào cách thức đốt rơm rạ. Ở những vùng thu hoạch lúa đã được cơ giới hoá, hầu như tất cả rơm rạ để lại trên đồng và được đốt nhanh chóng tại chỗ, vì thế sự mất mát S, P và K nhỏ hơn. Một số nơi khác rơm rạ được để thành đống ở chỗ tuốt lúa và được đốt sau khi thu hoạch, vì thế tro không được rải đều trên đồng, nên gây ra sự mất mát khoáng chất rất lớn. Các nguyên tố K, Si, Canxi (Ca), Ma-giê (Mg) dễ bị rửa trôi từ đống tro. Hơn nữa, việc làm như vậy sẽ gây nên sự chuyển dịch dinh dưỡng trong đất rất lớn vì nơi quá thừa, nơi quá thiếu. Việc đốt rơm rạ gây ra ô nhiễm không khí và mất mát dinh dưỡng, nhưng lại là biện pháp giảm giá thành và giảm thiểu sâu bệnh hại.

Hàng năm lượng rơm, rạ tại Việt Nam thải ra khoảng 40-46 triệu tấn, chủ yếu được đốt tại đồng ruộng. Việc đốt lượng lớn rơm rạ không những không có lợi cho người nông dân mà còn có những hệ luỵ lâu dài cho ngành nông nghiệp nói chung, trong đó có nguồn tài nguyên khó phục hồi là đất và khí quyển. Vì vậy, người trồng lúa cần thay đổi tập quán sản xuất, nhất là trong cách xử lý rơm rạ sau mỗi vụ mùa, góp phần vào định hướng chung, định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Những nỗ lực từ chính quyền

Để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường không khí, gây mất an toàn giao thông do việc đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, hàng năm các địa phương đều ban hành công văn về việc hạn chế tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch.

Điển hình như ở Hà Nội, để kiểm soát các hoạt động này, năm 2024, TP. Hà Nội cũng đã có công văn số 79/UBND-TNMT về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng trên địa bàn Hà Nội.

Công văn nêu rõ, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 của UBND thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thành phố.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngày 22/4/2024, UBND Thành phố Huế đã ban hành Công văn số 3501/UBND-NN về việc hạn chế tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch.

xu-ly-rom-ra-4-.jpg

Tại Nam Định, ngày 8/5/2024, UBND tỉnh cũng có văn bản gửi các sở, ngành TN-MT, NN và PTNT, GT-VT, KH-CN, Công an tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức đoàn thể, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh, về việc tăng cường thực hiện các biện pháp giảm thiểu và xử lý việc đốt rơm rạ, rác thải không đúng quy định.

Đặc biệt, tại tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa giai đoạn 2022 - 2024. Cụ thể, năm 2024, tỉnh hỗ trợ hơn 14 tỉ đồng để mua chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa vụ xuân chuyển sang vụ mùa, giao cho Trung tâm Khuyến nông làm đơn vị đầu mối thực hiện, cấp phát 140.000kg chế phẩm xử lý cho diện tích 5.000ha.

Những huyện trọng điểm về lúa như Yên Lạc, Vĩnh Tường được hỗ trợ 1.000ha; những huyện có diện tích lúa nhỏ hơn như: Bình Xuyên, Sông Lô, Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch được hỗ trợ từ 500-750ha; những thành phố như Phúc Yên, Vĩnh Yên được hỗ trợ 100ha. Quy trình kỹ thuật để xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh cũng được Trung tâm phổ biến cho các địa phương và nông dân.

Cụ thể, sau khi thu hoạch lúa, nông dân cho nước vào ruộng giữ ở mức 2-3 cm, bón vôi, dùng máy phay qua một lần cho dập gốc rạ, sau đó dùng chế phẩm vi sinh rải đều trên mặt với số lượng 1 kg/sào, nâng mực nước thêm, giữ ở mức 7-10 cm trong vòng 10-15 ngày rồi bừa, bón lót, gieo cấy.

Việc xử lý vi sinh phân hủy rơm rạ không chỉ giúp tiết kiệm phân bón, cải tạo đất, giảm ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ mà còn giúp cây lúa phát triển nhanh, bộ rễ khỏe, đẻ nhánh tập trung, không bị hiện tượng nghẹt rễ, vàng lá sinh lý, giảm bớt việc sử dụng thuốc BVTV hóa học.

Tại Khoản 1 Điều 41 của
Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 2.500.000 đồng
đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh
khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: "Đốt rơm, rạ sau thu hoạch gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Khi đốt rơm rạ sẽ gây ra bụi mịn PM2.5, khói và các chất độc khác đi kèm. Việc di chuyển của khối ô nhiễm, bụi mịn sau khi đốt rơm rạ lan tỏa ra các vùng xung quanh rất rõ rệt. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà nó còn diễn ra ở rất nhiều nước khác. Trước kia, bà con còn lấy rơm rạ cho trâu bò ăn hay để đun nấu. Tuy nhiên, hiện nay kinh tế phát triển, việc bà con lấy rơm rạ về đun nấu đã không còn nhiều. Chính vì vậy, tình trạng đốt rơm rạ ngày càng phổ biến hơn. Để giải quyết tình trạng này, nhiều địa phương cũng đã áp dụng các biện pháp như: Mua chế phẩm sinh học để ủ phân vi sinh, trồng nấm, dùng trong trong việc trồng cây thanh long,.... Tuy nhiên, những biện pháp này không được bền vững mà mới chỉ được áp dụng lẻ tẻ".

Cũng theo ông Tùng, các giải pháp đưa ra cần phù hợp với từng vùng, từng địa phương và cần có sự vào cuộc không chỉ của cơ quan quản lý về môi trường, mà cả các ban ngành quản lý về kinh tế, nông nghiệp, nhà doanh nghiệp. Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động.

bac-tung.jpg

“Người nông dân thu nhập từ thu hoạch lúa gạo thấp, vì vậy rất cần có sự hỗ trợ của nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Nghiên cứu áp dụng công nghệ số vào để có thể vừa giải quyết được vấn đề này mà vừa hợp với lòng dân. Nếu chỉ áp dụng giải pháp hành chính, xử phạt, xử lý… thì không căn cơ, khó xử lý dứt điểm đôi khi sẽ gây ra những khó dễ nhất định cho cả người dân và người đi xử lý”, TS Tùng nhấn mạnh.

Cần sự thay đổi tư duy của các cơ quan chức năng, nhà quản lý môi trường về vai trò của rơm rạ. Rơm rạ là phần phụ phẩm của hoạt động nông nghiệp nhưng không phải là phế thải mà cần coi đó là nguồn tài nguyên. Nếu biết cách sử dụng hiệu quả rơm rạ, vừa có thể biến rơm rạ thành nguồn nguyên liệu mới như làm phân bón hữu cơ, phân bón nhả chậm, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hay trồng nấm…Khi đó, nó sẽ trở thành một yếu tố quan trọng của vòng kinh tế tuần hoàn, mang lại sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp nước nhà.

“Chỉ khi nhận thức được vai trò, ý nghĩa của rơm rạ, chính quyền địa phương mới có thể dành sự quan tâm, tập trung nguồn lực cho các biện pháp xử lý rơm rạ thay thế bền vững. Ngoài việc tập huấn, hướng dẫn bà con về các kỹ thuật xử lý rơm rạ phù hợp với trình độ, nhận thức của người nông dân, các địa phương cũng cần thành lập Quỹ hỗ trợ kinh phí mua các chế phẩm thực hiện các giải pháp xử lý rơm rạ mới, để bà con yên tâm thực hiện. Ngoài ra, việc tạo ra các đầu mối thu mua các sản phẩm đầu ra từ hoạt động trồng nấm, phân bón sản xuất từ rơm rạ, cũng là cách tạo nguồn thu nhập ổn định, cho bà con thấy được lợi ích so sánh so với hoạt động đốt tự phát”, TS Tùng cho hay.

rom-6-.jpg

Còn theo PGS. TS Bùi Thị An - Đại biểu quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng: "Để giải quyết tình trạng này, Hội Nông dân hay Hội Phụ nữ cũng nên có cách hướng dẫn cho bà con cách xử lý dễ nhất sau thu hoạch. Đặc biệt nên có cơ chế khuyến cáo và có sự hỗ trợ cho bà con trong việc xử lý".

Những mô hình xử lý hiệu quả

Thay vì đốt, nhiều nông dân đã và đang xử lý rơm rạ bằng các giải pháp thân thiện với môi trường và gia tăng giá trị kinh tế cho rơm. Các giải pháp đang được áp dụng nhiều ở các địa phương hiện nay có thể kể đến như: Sử dụng chế phẩm vi sinh học để xử lý tại ruộng hoặc làm phân bón, hay thu cuốn rơm mang về để trồng nấm, làm thức ăn cho gia súc… Đó là các giải pháp thực hiện có hiệu quả.

Mô hình xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ

Nhằm giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ nhiều địa phương đã xây dựng và thực hiện mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ. Với thời gian ủ ngắn (45 ngày), từ khoảng 5 tạ rơm rạ cộng với phân gia súc, gia cầm... có thể làm thành 1 tấn phân hữu cơ phục vụ cho sản xuất cây trồng và hoa màu. Giải pháp này dễ thực hiện, giá thành rẻ, người dân cũng có thể áp dụng để xử lý các phụ phẩm nông nghiêp khác như thân cây chuối, ngô, đu đủ, hoa,… chuyển thành phân hữu cơ.

Mô hình xử lý rơm rạ bằng việc rắc chế phẩm sinh học

Nhiều địa phương đã sử dụng có hiệu quả mô hình việc xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học.

Việc này tạo điều kiện để các phụ phẩm nông nghiệp được phân hủy bởi các vi sinh vật và giun có trong đất dưới sự hỗ trợ của chế phẩm vi sinh vật, biến thành chất điều hòa đất và phân hữu cơ tại chỗ. Đất sẽ trở nên mềm, màu mỡ, giàu chất dinh dưỡng và sinh khối, tăng năng suất cho các vụ mùa tiếp theo.

Theo bà con nông dân, việc xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học đem lại lợi ích kép cho nông dân, vừa bảo vệ môi trường vừa tiết kiệm chi phí sản xuất nhờ nguồn phân hữu cơ. So với những nơi đốt rơm rạ tại ruộng, ruộng được xử lý bằng chế phẩm sinh học tiết kiệm được 2 lần phun thuốc trừ bệnh vàng lá và nghẹt rễ sinh lý; giảm được 30% lượng phân lân cho bón lót và 15% lượng N-P-K bón thúc lần đầu. Bên cạnh đó, việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học khá đơn giản, chỉ cần trộn đều chế phẩm với cát, đất, hoặc phân bón, dải đều khắp ruộng. Sau từ 13 đến 15 ngày, rơm và gốc rạ tự phân hủy, ngấu trong đất.

rom-7-.jpg

Mô hình chế biến thức ăn cho trâu bò, gia súc

Để tận dụng nguồn rơm lúa sau thu hoạch, có những địa phương đã triển khai mô hình sử dụng máy cuốn rơm và sử dụng rơm cuộn để chế biến làm thức ăn cho trâu bò, gia súc.

Phương pháp chế biến rơm ủ u-rê đơn giản và dễ thực hiện. Hơn nữa, rơm rạ sau khi chế biến có thể cho bò ăn thoải mái, không sợ bị ngộ độc. Bò được ăn loại rơm này lớn nhanh, béo khoẻ, ngay cả trong vụ đông xuân thiếu cỏ tươi.

Mô hình tận dụng rơm rạ trồng nấm

Hay có những địa phương tận dụng rơm rạ để trồng nấm, nhiều hộ nông dân đã có thêm công việc mới.

Đặc biệt, giá thể sau khi thu hoạch nấm có thể được sử dụng để bón trực tiếp cho cây ăn quả, hoa hồng... và không gây ô nhiễm môi trường.

Mô hình xử lý rơm rạ bằng thu cuốn rơm để sử dụng

Nhận thấy một số lợi ích khi mang rơm rạ ra khỏi đồng ruộng, nông dân nhiều nơi đã chủ động thu gom rơm thành các cuốn rơm khô, gọn và nhẹ bằng cách thủ công hoặc sử dụng máy cuốn. Tuy nhiên, máy cuốn rơm chỉ hoạt động hiệu quả tại các khu vực đồng ruộng khô, chân ruộng cao. Trước khi áp dụng máy thu cuốn, cần lưu ý cắt sát gốc rạ khi gặt.

Khi thu cuốn rơm, phần lớn rơm bên trên sẽ được thu gom, phần gốc rạ sẽ còn lại bên dưới và nằm trong đất. Điều đó cũng khắc phục được việc để lại quá nhiều rơm trên ruộng làm cho đất bị dư thừa chất hữu cơ dễ gây sâu bệnh cho cây trồng vụ sau. Với gốc rạ còn lại trên đồng, các đơn vị khuyến nông khuyến khích sử dụng thêm chế phẩm vi sinh học để xử lý làm phân bón hữu cơ. Việc này vừa tránh làm chua đất, vừa gia tăng chất hữu cơ cho cây trồng/vụ sau đó. Đối với rơm thu được, đây sẽ là đầu vào cho các hoạt động sản xuất khác như trồng nấm, làm thức ăn gia xúc, làm đệm lót sinh học, làm các sản phẩm thủ công, làm nhiên liệu sinh học.

rom-8-.jpg

Mỗi nhóm giải pháp sẽ sử dụng các công nghệ khác nhau phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từ hạn chế can thiệp, sử dụng chế phẩm sinh học hay các máy móc nông nghiệp… Áp dụng các kỹ thuật nói trên sẽ tăng giá trị của rơm rạ. Các giải pháp này có thể áp dụng đa dạng từ quy mô lớn cho doanh nghiệp, hợp tác xã cho đến cả các nông hộ nhỏ lẻ.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng rơm rạ, Nhà nước cần hỗ trợ các nghiên cứu đẩy nhanh việc đưa máy móc phục vụ công tác thu gom rơm ở miền Bắc. Cụ thể, cần đưa vào sử dụng các loại máy cuốn rơm quy mô nhỏ, vận chuyển linh hoạt, phù hợp với điều kiện đồng ruộng miền Bắc; Nghiên cứu máy cắt gốc rạ kết hợp với máy cuốn rơm để tăng tỷ lệ thu gom rơm rạ.

Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ nghiên cứu lợi nhuận của các khâu trong chuỗi giá trị thu gom, sản xuất và sử dụng các sản phẩm từ rơm tại từng địa phương. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu sẽ đề xuất chính sách nhằm hỗ trợ hình thành chuỗi giá trị thu gom, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ rơm tại các địa bàn cụ thể trên miền Bắc và miền Trung.

Hỗ trợ, hoàn thiện các công nghệ sử dụng rơm để sản xuất làm thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ, trồng nấm, làm viên năng lượng... nhằm đa dạng hóa các sản phẩm từ rơm, giúp ổn định thị trường và tăng giá trị lợi nhuận.

Đối với gốc rạ, việc thu gom rất khó khăn và chi phí cao. Do vậy, cần định hướng nghiên cứu để giúp người dân xử lý gốc rạ tại ruộng để làm phân bón hữu cơ, hạn chế hiện tượng đốt đồng. Nhà nước cần hỗ trợ các nghiên cứu sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm phân hủy nhanh gốc rạ ngoài đồng để làm phân bón hữu cơ. Việc áp dụng cơ giới hóa nhằm tăng cường tỷ lệ thu gom rơm giúp giảm khối lượng gốc rạ cần phải xử lý trên đồng ruộng, qua đó giảm những tác hại về sâu bệnh, ngộ độc hữu cơ cho cây trồng cũng như phát thải khí nhà kính do để lại nhiều gốc rạ trên đồng ruộng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đốt rơm, rạ sau thu hoạch - Vấn đề cũ nhưng hệ lụy luôn nóng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.