[Góc nhìn tuần qua] Mùa thu hoạch lúa – Mùa đốt rơm rạ

Ban Biên tập Moitruong.net.vn|11/05/2024 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hiện đang là cao điểm thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, và cứ “đến hẹn lại lên”, chuyện phơi rơm rạ, thóc lúa trên đường lại diễn ra gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, ô nhiễm không khí.

Video: [Góc nhìn tuần qua] Mùa thu hoạch lúa – Mùa đốt rơm rạ

Những ngày gần đây, vì đang trong vụ thu hoạch lúa Đông Xuân, trên các tuyến đường giao thông thường xuyên xuất hiện tình trạng các hộ gia đình sau khi thu hoạch lúa, tận dụng vỉa hè, một phần lòng đường để phơi thóc, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Đáng nói, việc trưng dụng mặt đường để phơi thóc chiếm gần hết lòng đường, chỉ còn lại một lối đi hẹp dành cho các phương tiện giao thông. Không chỉ vậy, nhiều gạch, đá,... được người dân dùng để ghim bạt phơi đã trở thành những chướng ngại vật nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông. Tình trạng tuốt lúa, phơi thóc, đốt rơm rạ tái diễn vào mỗi mùa gặt không chỉ gây cản trở mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Thay vì đốt, nhiều nông dân đã và đang xử lý rơm rạ bằng các giải pháp thân thiện với môi trường và gia tăng giá trị kinh tế cho rơm. Các giải pháp đang được áp dụng nhiều ở Hà Nội hiện nay có thể kể đến như: Sử dụng chế phẩm vi sinh học để xử lý tại ruộng hoặc làm phân bón, hay thu cuốn rơm mang về để trồng nấm, làm thức ăn cho gia súc… Đó là các giải pháp thực hiện có hiệu quả. Mỗi nhóm giải pháp sẽ sử dụng các công nghệ khác nhau phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từ hạn chế can thiệp, sử dụng chế phẩm sinh học hay các máy móc nông nghiệp… Áp dụng các kỹ thuật nói trên sẽ tăng giá trị của rơm rạ. Các giải pháp này có thể áp dụng đa dạng từ quy mô lớn cho doanh nghiệp, hợp tác xã cho đến cả các nông hộ nhỏ lẻ. 

Thực tế cho thấy, nếu chuyển giao khoa học công nghệ đến với nông thôn, nông dân theo kiểu phong trào, chỉ "rầm rộ” khi phát động, mang nặng tính hình thức thì "đâu lại vào đấy". Thiết nghĩ, các cấp, các ngành, các đoàn thể địa phương cần vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực, quyết tâm hơn nữa và quan trọng là đã làm thì phải làm tích cực, làm đến nơi, đến chốn để có thể chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
[Góc nhìn tuần qua] Mùa thu hoạch lúa – Mùa đốt rơm rạ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.