Đợt tuần hành của học sinh toàn cầu chống biến đổi khí hậu

Thùy Dung (T/h)|26/09/2019 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trọng tâm của cuộc tuần hành toàn cầu này là thành phố New York, với dự kiến khoảng 1 triệu học sinh từ 1.700 ngôi trường của thành phố sẽ tham gia.

Ngày 20/9, các học sinh, sinh viên tại Australia đã mở màn đợt tuần hành quy mô lớn, được tổ chức trên toàn cầu để thúc đẩy hành động mạnh mẽ hơn, nhanh chóng hơn đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Đây là đợt tuần hành cao điểm trong phong trào “Thứ Sáu vì Tương lai,” do nữ sinh người Thụy Điển Greta Thunberg khởi xướng từ tháng Tám năm ngoái, được tổ chức chỉ ba ngày trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc.

Các nhà tổ chức chiến dịch mong muốn các trường học trên thế giới cam kết tham gia cuộc tuần hành này trước Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về hành động chống biến đổi khí hậu vào ngày 23/9 tới, nơi các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận kế hoạch giảm phát thải 45% trong thập niên tới và đạt mức phát thải 0% vào năm 2050.

Hàng nghìn thanh niên Anh tuần hành vì khí hậu tại thủ đô London ngày 15/2

Cuộc tuần hành sẽ cổ động trẻ em toàn thế giới tích cực thuyết phục người lớn coi trọng hơn hành động chống biến đổi khí hậu.

Trọng tâm của cuộc tuần hành toàn cầu này là thành phố New York, nơi đặt trụ sở Liên hợp quốc, với dự kiến khoảng 1 triệu học sinh từ 1.700 ngôi trường của thành phố sẽ tham gia.

Nhà hoạt động môi trường 16 tuổi Greta Thunberg dự kiến sẽ dẫn đầu sự kiện tại New York.

Tại Australia, học sinh, sinh viên đã tuần hành tại nhiều thành phố lớn như Sydney, Melbourne và hàng chục thành phố nhỏ hơn trên khắp cả nước.

Hàng chục nghìn người đã xuống đường tuần hành, ngoài học sinh sinh viên còn có công nhân và người lao động. Hoạt động này đồng loạt diễn ra tại tám thành phố lớn và 104 thị trấn khác nhau trên khắp Australia.

Tại quảng trường The Domain của thành phố Sydney, bang New South Wales, khoảng 10.000 người đã có mặt từ rất sớm để chuẩn bị cho sự kiện.

Những người tuần hành đưa ra ba yêu cầu đối với chính phủ, gồm chấm dứt các dự án khai thác than mới; tiến tới mục tiêu 100% sử dụng năng lượng tái tạo vào năm 2030; tạo điều kiện tìm kiếm việc làm và thay đổi ngành nghề cho các công nhân, cộng đồng lao động đang làm việc trong lĩnh vực khai thác than.

Tương tự, tại Melbourne, bang Víchtoria, Gold Coast, bang Queensland, Hobart bang Tasmania… hoạt động tuần hành cũng diễn ra mạnh mẽ, với sự có mặt của không dưới 10.000 người ở mỗi địa điểm tập trung.

Giới truyền thông địa phương Australia đưa tin hơn 2.500 doanh nghiệp nước này đã cam kết hưởng ứng cuộc tuần hành, hoặc đóng cửa hoặc cho phép nhân viên nghỉ việc để tham gia.

Thùy Dung (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đợt tuần hành của học sinh toàn cầu chống biến đổi khí hậu