Ngày 24/5, hàng chục nghìn sinh viên, học sinh tại 130 quốc gia trên thế giới đã bãi khóa và xuống đường biểu tình để yêu cầu các lãnh đạo chính trị toàn cầu phải cấp tốc có những hành động chống biến đổi khí hậu.
Theo thống kê của trang youthforclimate.fr, lời kêu gọi bãi khóa, xuống đường đã được đưa ra tại hơn 2.200 thành phố trên toàn thế giới, nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của nữ sinh 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg.
Tại châu Âu, hàng chục nghìn thanh niên trẻ đã tuần hành tại nhiều thành phố lớn. Từ Lisbon tới Oslo, nhiều học sinh và sinh viên đã nghỉ học để tham gia biểu tình và bày tỏ mối lo ngại về tình trạng ấm lên của Trái Đất kèm theo đó là các hiện tượng băng tan và bão lũ ngày càng tồi tệ.
Tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, khoảng 1.000 sinh viên đã nằm trên một con đường lớn kèm theo đó là tấm băng rôn lớn có dòng chữ “cái chết” nhằm truyền đi thông điệp rằng “đây sẽ là kết cục cho chúng tôi trong tương lai.”
Người biểu tình phản đối biến đổi khí hậu tập trung tại thủ đô London, Anh, ngày 22/4/2019
Nhân cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đang diễn ra, giới trẻ tại Anh đã kêu gọi các nghị sỹ châu Âu tương lai của nước này tham gia thực hiện “thỏa thuận xanh mới” châu Âu, theo kiểu “Chính sách kinh tế mới” của Mỹ.
Tại Pháp, khoảng 15.000 người đã tuần hành tại Paris. Các thanh niên, sinh viên và học sinh đã thuyết phục được 45 ứng cử viên tranh cử vào Nghị viện châu Âu ký “bản tuyên bố chính thức công nhận tình trạng khí hậu khẩn cấp.”
Còn tại Đức, ít nhất 5.000 sinh viên, học sinh đã nghỉ học và xuống đường tại Cổng thành Brandenburg ở thủ đô Berlin.
Các cuộc tuần hành cũng được tổ chức tại các thành phố lớn của Đức như Hamburg và Frankfurt.
Những người tuần hành mang theo các biểu ngữ với thông điệp như “Khí hậu ngay bây giờ, bài tập để sau” và “Không có hành tinh B,” trong khi các nhà hoạt động trẻ tuổi hô vang: “Chúng ta muốn điều gì? Công lý khí hậu! Khi nào chúng ta muốn? Ngay bây giờ!”
Cho đến nay, hàng nghìn thanh thiếu niên mỗi tuần vẫn nghỉ học để đánh động dư luận thế giới phải có hành động cấp thiết chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường toàn cầu.
Đây là lần đầu tiên, giới trẻ trên toàn thế giới đồng loạt xuống đường để bảo vệ tương lai của mình.
Với những kiến thức tiếp thu được trong học đường, giới trẻ ngày nay hoàn toàn có lý do để lo ngại cho tương lai, vì đến năm 2050, chính họ sẽ là nạn nhân đầu tiên của những thảm họa sinh thái không thể đảo ngược được, nếu nhân loại không khẩn cấp có hành động ngay từ bây giờ.
Theo TTXVN