Chiều 20/1, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo phối hợp cung cấp thông tin báo chí về diễn biến thiên tai năm 2021, dự báo thiên tai năm 2022 và kế hoạch dự báo phục vụ Tết Nhâm Dần 2022.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhiều khả năng từ ngày 26-28/1 (tức từ ngày 24-26 tháng Chạp) xuất hiện vùng áp thấp ở khu vực giữa và Nam Biển Đông và có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển ra bên ngoài và không ảnh hưởng tới đất liền.
Trước Tết Nguyên đán, khoảng thời gian từ ngày 24-27/1 (ngày 22-25 tháng Chạp), các khu vực trong cả nước ít mưa, trời nắng ấm.
“Như vậy, ngày ông Công ông Táo (ngày 25/1 tức ngày 23 tháng Chạp), cả nước thời tiết nắng ráo”, ông Lâm cho biết.
Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)
Khoảng ngày 28/1 (26 tháng Chạp) và ngày 31/1(29 Tết), miền Bắc chịu ảnh hưởng của hai đợt không khí lạnh mạnh. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực Bắc Bộ trời nhiều mây, có mưa nhỏ, mưa phùn, nhiệt độ vùng đồng bằng từ 13-18 độ C, vùng núi từ 8-16 độ C. Khu vực Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa, từ Thanh Hóa – Thừa Thiên Huế trời rét; phía Nam trời lạnh.
Ngày 31/1, thời khắc chuẩn bị Giao thừa và ngày 1/2, tức mùng 1 Tết Nguyên đán, khu vực Bắc Bộ mưa rét, vùng núi rét đậm, vùng núi cao có thể xảy ra rét hại. Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ trời nắng ráo.
“Tết Nhâm Dần 2022, miền Bắc có khả năng xuất hiện tình trạng rét đậm ở vùng đồng bằng, rét hại vùng núi, đề phòng tình trạng băng giá ở các đỉnh núi cao”, ông Lâm nhấn mạnh.
Từ ngày 2-7/2 (mùng 2-7 Tết), không khí lạnh tiếp tục được tăng cường khiến Bắc Bộ vẫn duy trì tình trạng mưa rét. Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ trời nắng ráo.
Ven biển Nam Bộ xuất hiện đợt triều cường có độ cao trung bình, kéo dài từ 29 tháng Chạp tới mùng 3 Tết.
Thùy Minh