Theo Bộ Tài chính Đức, việc phát hành trái phiếu “xanh” đầu tiên có thời hạn 10 năm sẽ diễn ra vào tháng Chín, với số lượng trị giá tối thiểu 4 tỷ euro. Trái phiếu xanh sẽ là “trái phiếu kép,” vì được cùng được phát hành với trái phiếu liên bang thông thường với cùng thời hạn và lãi suất.
Động thái này phù hợp với một thỏa thuận mà các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được hồi đầu tháng này, về một bộ quy tắc mới giúp quản lý những sản phẩm tài chính nào có thể được gọi là “xanh” và “bền vững”.
Ảnh minh họa
Theo thỏa thuận nói trên, tất cả các sản phẩm tài chính tuyên bố “xanh” hoặc “bền vững” sẽ phải công bố chính xác tỷ lệ đầu tư nào là thân thiện với môi trường.
Quốc vụ khanh về tài chính của Quốc hội Đức, Joerg Kukies, cho biết “trái phiếu kép” được phát hành nhằm làm thu hút các nhà đầu tư.
Hồi cuối năm ngoái, Chính phủ Đức thông báo sẽ phát hành trái phiếu xanh vào nửa cuối năm 2020, một phần trong nỗ lực của nước này đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Đức đã dành 54 tỷ euro trong khoản chi tiêu đến năm 2023 cho gói ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có việc đánh thuế carbon nhằm giảm khoảng 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với lượng khí thải của năm 1990.
Theo Quốc vụ khanh về môi trường của Quốc hội Đức, Rita Schwarzeluehr-Sutter, trái phiếu xanh sẽ góp phần vào nỗ lực của chính phủ trong ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Ba Lan đã phát hành trái phiếu chính phủ xanh đầu tiên trên thế giới vào năm 2016. Tiếp đó, Pháp phát hành vào năm 2017 và hiện là nước đứng đầu thế giới về phát hành trái phiếu xanh.
Theo Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), trái phiếu xanh chiếm 2,85% trong tổng số trái phiếu phát hành trên toàn cầu trong năm 2019, hay có trị giá khoảng 205 tỷ USD. Gần một nửa trái phiếu xanh được phát hành trên thế giới năm 2019 là bằng đồng euro.
Quỳnh Anh (t/h)