Duy trì đàn lợn khoảng 29 đến 30 triệu con trong giai đoạn 2020-2030

Minh Anh (t/h)|26/12/2019 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đến năm 2030, tổng đàn lợn có mặt thường xuyên ở khoảng 29-30 triệu con, đàn lợn nái khoảng 2,5-2,8 triệu con, đàn lợn nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 70%.

Trên cơ sở kết quả đạt được giai đoạn 2008-2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Mục tiêu chung của chiến lược là tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa tất cả các khâu trong quá trình sản xuất để phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành Chăn nuôi.

Phấn đấu, đến năm 2030 sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực, phần lớn sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp an toàn sinh học, thân thiện với môi trường bảo đảm an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Duy trì tổng đàn lợn thường xuyên ở quy mô khoảng 29 đến 30 triệu con.

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt một số chỉ tiêu cụ thể như: Mức tăng trưởng giá trị sản xuât bình quân giai đoạn 2021-2025 trung bình 4-5% năm, giai đoạn 2026-2030 trung bình 3-4% năm. Duy trì tổng đàn lợn thường xuyên ở quy mô khoảng 29 đến 30 triệu con.

Về gia cầm duy trì thường xuyên khoảng 400-500 triệu con gà, trong đó có ít nhất 60% nuôi theo phương thức công nghiệp và khoảng 100-120 triệu con thủy cầm.

Về gia súc lớn, duy trì 2,4 đến 2,6 triệu con trâu bò, trong đó có ít nhất 80% tổng đàn được nuôi trong các nông hộ. Đàn bò sữa đạt quy mô từ 600-650 nghìn con.

Về tầm nhìn đến năm 2040, chăn nuôi Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trình độ và năng lực sản xuất ngành chăn nuôi Việt Nam thuộc nhóm đầu của các nước trong khu vực ASEAN. Khống chế và kiểm soát tốt một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tới 100% sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70 % khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua chế biến, trong đó có 30% được chế biến sâu…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, quy mô ngành chăn nuôi còn nhỏ lẻ, triển khai Luật Chăn nuôi cũng như Chiến lược chăn nuôi giai đoạn mới phải có bước đi từng giai đoạn. Tuy nhiên, có những vướng mắc phải quyết liệt trong tháo gỡ để đảm bảo cơ cấu và tổng sản lượng thực phẩm phù hợp với từng năm và từng giai đoạn.

Dự thảo chiến lược đề ra 4 đề án liên quan đến các lĩnh vực cần tập trung nguồn lực để thực hiện thời gian tới: Công nghiệp sản xuất giống vật nuôi và công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; công nghiệp giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi; nâng cao năng lực kiểm soát soát dịch bệnh và xử lý chất thải trong chăn nuôi; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản lý Nhà nước, đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ và xúc tiến thương mại ngành chăn nuôi thú y.

Tổng số kinh phí dự kiến cho việc thực hiện các đề án mà Chiến lược đề ra trong giai đoạn 2020-2030 khoảng 66.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng 14.600 tỷ đồng chiếm 22% còn lại huy động các nguồn lực xã hội để triển khai thực hiện.

Minh Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Duy trì đàn lợn khoảng 29 đến 30 triệu con trong giai đoạn 2020-2030