Theo báo cáo của UNICEF, trong giai đoạn từ năm 2020 - 2024, số ngày cực nóng, với nhiệt độ bằng hoặc vượt 35 độ C, đã tăng gấp đôi so với những năm 1960.
Trong đó, khu vực Tây và Trung Phi bị ảnh hưởng nhiều nhất, với 123 triệu trẻ em, tức 39% trẻ em ở Tây và Trung Phi, hiện phải trải qua trung bình hơn 1/3 thời gian trong năm, hoặc ít nhất 95 ngày, sống dưới nền nhiệt độ trên 35 độ C, thậm chí lên tới 212 ngày như ở Mali, 202 ngày ở Niger, 198 ngày ở Senegal và 195 ngày ở Sudan. Ở khu vực châu Mỹ Latinh và vùng Caribe, gần 48 triệu trẻ em đang sống ở những khu vực phải trải qua gấp đôi số ngày cực nóng mỗi năm so với 6 thập kỷ trước.
UNICEF chỉ ra, trẻ em dễ bị tổn thương bởi tác động của các đợt nắng nóng cao điểm, do thân nhiệt tăng cao và nhanh hơn đáng kể so với người trưởng thành, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh hay sốc nhiệt cao hơn.
Bên cạnh đó, UNICEF cũng đưa ra cảnh báo, đến năm 2050, nắng nóng cực đoan do khủng hoảng khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em trên toàn thế giới. Các đợt nắng nóng ngày càng trở nên thường xuyên, không có dấu hiệu giảm và tần suất được dự báo còn tăng trong những năm tới.
Nhiệt độ quá cao có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, tăng nguy cơ mắc các bệnh như sốt rét và sốt xuất huyết lây lan ở vùng khí hậu ấm áp, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thần kinh và sức khỏe tâm thần.
Từ đó, UNICEF kêu gọi các nhân viên tuyến đầu, cha mẹ, gia đình, người chăm sóc và chính quyền địa phương bảo vệ trẻ em bằng cách tăng cường nhận thức về thực hiện các biện pháp phòng ngừa và nhận biết tình trạng sốc nhiệt, xác định các triệu chứng, cũng như tìm hiểu để có thể sơ cứu trẻ đúng cách khi cần.