Gặp mặt nhà báo tiêu biểu nhân kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam

Bình An|13/06/2020 08:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã ghi nhận đóng góp của báo chí trong công cuộc chống tham nhũng, từ vụ việc xe biển xanh ở Hậu Giang của Trịnh Xuân Thanh được phản ánh năm 2016.

Sáng 13.6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo T.W chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức hội nghị Gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu nhân kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.

187 nhà báo, người làm báo được tuyên dương tại hội nghị lần này là những cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tiêu biểu đang công tác tại các cơ quan báo chí trong cả nước.

Hội nghị có sự tham dự của 5 Ủy viên Bộ Chính trị, gồm Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình, cho thấy mức độ quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới truyền thông, báo chí. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã gửi thư chúc mừng hội nghị.

Tại buổi gặp mặt, ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, cho biết cùng với sự phát triển của đất nước, báo chí Việt Nam cũng đã có bước phát triển nhanh chóng. Diện mạo, số lượng, chất lượng các ấn phẩm, các chương trình phát thanh, truyền hình, công nghệ làm báo đã có những chuyển biến tích cực; chất lượng chính trị, văn hóa, tính định hướng và kỹ thuật báo chí đã được nâng cao.

Đội ngũ người làm báo cũng tăng nhanh về số lượng, trình độ nghiệp vụ từng bước được nâng lên, làm chủ công nghệ báo chí hiện đại. Nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng tốt, thể hiện được bản lĩnh chính trị và trách nhiệm xã hội, kỹ năng nghề nghiệp của người làm báo, tạo được hiệu quả xã hội cao, sức lan tỏa rộng rãi trong nhân dân.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi tình cảm thân thiết và lời chào mừng nồng nhiệt tới người làm báo cả nước, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng lưu ý, mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo, hãy học và noi gương Bác Hồ – một nhà báo lớn, về phong cách và đạo đức làm báo. Phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” và “Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”.

Nội dung thông tin trên báo chí ngày càng toàn diện, đa dạng, phong phú, chất lượng chính trị, giá trị văn hóa trong các sản phẩm báo chí không ngừng được nâng cao. Đông đảo những người làm báo đã chịu khó học hỏi, nâng cao tri thức, trình độ tác nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh người làm báo cách mạng.

Chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, nhiều cơ quan báo chí, nhiều phóng viên đã có thông tin, phản ánh sinh động công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng với nhiều cách tiếp cận và phản ánh đa dạng, chính xác.

Điểm lại những dấu ấn đậm nét của chặng đường báo chí cách mạng Việt Nam, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Lê Mạnh Hùng cho hay, trải qua từng thời kỳ cách mạng của đất nước, báo chí không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và đã trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, nhà báo là các chiến sĩ trên mặt trận ấy.

Theo ông Hùng, đến nay, cùng với những thành tựu to lớn, toàn diện của đất nước, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ. Diện mạo, số lượng, chất lượng các ấn phẩm, các chương trình phát thanh, truyền hình và công nghệ làm báo…đã đạt được những bước tiến lớn.

Chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, tính định hướng và kỹ thuật- nghiệp vụ của báo chí ngày càng được nâng cao. Đội ngũ những người làm báo tăng nhanh về số lượng, trình độ nghiệp vụ làm báo được nâng cao, làm chủ công nghệ làm báo hiện đại.

Nhà báo Đỗ Phú Thọ – Phó Tổng biên tập báo QĐND nhắc lại kỷ niệm lần đi tác nghiệp về lũ lụt tại Nghệ An năm 2007 với nhiều nguy hiểm. Ông cũng chia sẻ trong quá trình công tác đã nhiều lần bị các đối tượng gạ gẫm, mua chuộc nhưng ông vẫn giữ được bản chất và nghĩ rằng lời từ chối đó hoàn toàn đúng.

Tại hội nghị, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng cũng nhắc đến một bài báo của Thanh Niên 4 năm trước, đã gây tác động lớn.

“Bài báo tuy không phải là lớn, nhưng có tác động lớn. Sau khi có kết quả kiểm tra, đã xử lý nghiêm những người vi phạm, dĩ nhiên không chỉ liên quan đến xe biển xanh mà còn liên quan đến việc khác quan trọng hơn. Từ việc này, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã đổi mới cách đặt vấn đề, đổi mới cách làm và làm đến nơi đến chốn”, ông Vượng nói.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại buổi lễ.

Báo chí phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, nhất là những thông tin sai trái trên internet, mạng xã hội.

Theo Thường trực Ban Bí thư, sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh những cơ hội to lớn, chúng ta cũng phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ. Những thành tựu của khoa học – công nghệ đã làm cho báo chí có bước phát triển vượt bậc, song, cũng tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của báo chí truyền thống, tạo ra sự cạnh tranh giữa báo chí truyền thống với mạng xã hội…

Để báo chí hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình, Thường trực Ban Bí thư đề nghị mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo, trước hết, hãy học và noi gương Bác – một nhà báo lớn, về phong cách và đạo đức làm báo. Phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén” và “Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng”.

Một đề nghị nữa được Thường trực Ban Bí thư nhắc tới là các nhà báo cần không ngừng học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh khoa học – công nghệ phát triển không ngừng; thực hiện nghiêm 10 quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

Ngoài ra, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phản ánh thông tin thiếu khách quan, trung thực; xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp một bộ phận người làm báo, cùng với những sai sót về tư tưởng chính trị, lịch sử trong ấn phẩm, ảnh hưởng tới niềm tin, gây tâm lý băn khoăn, hoài nghi về đội ngũ người làm báo trong xã hội.

Bình An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gặp mặt nhà báo tiêu biểu nhân kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam