Gia Lai: Nỗ lực triển khai các biện pháp xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Mai Hạ|20/01/2025 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Để giảm thiểu tác động môi trường của bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nhiều địa phương ở tỉnh Gia Lai đang nỗ lực triển khai các biện pháp như xây bể chứa, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện, bước đầu đạt hiệu quả.

Bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm là một trong những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, vì vậy nhiều năm nay các xã của tỉnh Gia Lai triển khai các biện pháp trong đó có việc thu gom, xử lý bao bì BVTV. Việc xây bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật được triển khai tại rất nhiều xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Tại huyện Mang Yang, UBND xã Kon Thụp vừa lắp đặt và đưa vào sử dụng 30 bể chứa bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các cánh đồng, các khu vực sản xuất.

18-glai1.jpg
Mỗi bể chứa bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng do UBND xã Kon Thụp lắp đặt có thể tích 1 m3

Theo đó, mỗi bể chứa có thể tích 1 m3, có nắp đậy và trên bể có ghi chú “Bể chứa rác thải bao bì đựng thuốc BVTV”. Tổng kinh phí lắp đặt 75,3 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn năm 2024 (thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây xây dựng nông thôn mới).

Bên cạnh lắp đặt bể thu gom, UBND xã Kon Thụp cũng phối hợp với các thôn, làng tuyên truyền, hướng dẫn để người dân biết và sử dụng bể thu gom đúng quy định. Đồng thời, vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động thu gom, xử lý rác thải khi UBND xã phát động cũng như các hoạt động bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Theo bà Phan Thị Ngọc Phượng, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Mang Yang, hiện vẫn còn 4 xã trên địa bàn huyện chưa xây dựng bể thu gom bao bì thuốc BVTV gồm: Lơ Pang, Đê Ar, Kon Chiêng và Đăk Trôi.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục bố trí kinh phí xây dựng bể chứa và hợp đồng với đơn vị đủ chức năng, năng lực để thu gom, xử lý theo quy định và đảm bảo lộ trình theo Đề án “Đánh giá hiện trạng thu gom xử lý, xây dựng mô hình thu gom và đề xuất giải pháp xử lý bao bì thuốc BVTV trên địa bàn huyện Mang Yang”.

Tại huyện Đak Đoa, theo ông Nguyễn Thành Thoại, Phó trưởng phòng TN-MT huyện Đak Đoa, huyện này đã xây dựng các khu lưu chứa với thể tích 18-20 m3 rác, tương ứng với mỗi xã xây dựng khoảng 20 bể chứa với tổng kinh phí gần 2,3 tỷ đồng. Mỗi năm, các địa phương trong huyện hợp đồng thu gom khoảng 10 tấn bao bì thuốc BVTV với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng.

Nói về công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND xã Glar Bùi Quang Thoại, cho hay: Đến nay, xã đã xây dựng được 13 khu lưu chứa với thể tích 18 m3 rác. Hàng năm, xã bố trí kinh phí hợp đồng với đơn vị đủ chức năng để thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV.

Còn Phó Chủ tịch UBND xã Kdang Nguyễn Thanh Phú thông tin tại xã này đã xây dựng được 9 khu lưu chứa với thể tích chứa rác 18 m3. Các bể chứa được đặt ở những vị trí có nhiều diện tích cây trồng tập trung và bên cạnh các tuyến đường chính để tạo thuận lợi cho người dân trong việc bỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Mỗi năm 1 lần vào dịp cuối năm, xã hợp đồng với đơn vị đủ năng lực thu gom, xử lý theo quy định với kinh phí gần 20 triệu đồng.

Nhờ triển khai giải pháp trên, đến nay, Đak Đoa có 8 xã đạt tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Huyện Chư Prông cũng triển khai nhiều giải pháp trong thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV. Theo Trưởng phòng TN-MT huyện Lê Tấn Hiếu, đến nay, toàn huyện đã xây dựng được gần 500 bể chứa bao bì thuốc BVTV. Mỗi năm, huyện hợp đồng với đơn vị chức năng thu gom, xử lý với khối lượng 2-3 tấn bao bì thuốc BVTV. Từ năm 2024, UBND huyện giao UBND các xã, thị trấn chủ động hợp đồng với đơn vị đủ năng lực để thu gom, vận chuyển, xử lý theo đúng quy định.

Được biết, từ năm 2018 đến nay, UBND huyện Chư Sê đã đầu tư xây dựng được hơn 200 bể thu gom bao bì thuốc BVTV tại 14 xã với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều người dân bỏ bao bì thuốc BVTV không đúng nơi quy định, nhiều trường hợp còn bỏ lẫn rác thải sinh hoạt vào bể thu gom.

18-glai.jpg
Khu lưu chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở xã Glar (huyện Đak Đoa)

Theo bà Lương Thị Tuyết Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) tỉnh Gia Lai, thực hiện tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư kinh phí xây dựng bể chứa và hợp đồng với đơn vị đủ chức năng, năng lực thu gom, xử lý. Các địa phương thực hiện tốt công tác này như: thị xã Ayun Pa, thị xã An Khê và các huyện: Đak Đoa, Kbang, Ia Grai, Chư Prông. Đến nay, toàn tỉnh có 94/180 xã đạt chỉ tiêu 17.7 trong xây dựng nông thôn mới.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường còn cho biết thêm, mặc dù rất nỗ lực trong việc triển khai các biện pháp thu gom bao bì thuốc BVTV nhưng một số nơi vẫn gặp khó khăn do do thiếu kinh phí; trên địa bàn chưa có đơn vị đủ chức năng, năng lực phù hợp để xử lý bao bì thuốc BVTV theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.

“Để thực hiện tốt công tác thu gom bao bì thuốc BVTV, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần quan tâm bố trí thêm kinh phí xây dựng bể thu gom đảm bảo số lượng theo quy định. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân về mục đích, cách sử dụng khu vực lưu chứa, bể thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16-5-2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ TN-MT thì bao bì thuốc BVTV sau sử dụng lưu chứa ở bể chứa hoặc khu vực lưu chứa phải được chuyển đi xử lý trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, huyện vẫn chưa hợp đồng với đơn vị đủ chức năng, năng lực thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT cần hướng dẫn các tổ chức, cá nhân triển khai công tác thu gom bao bì thuốc BVTV theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT nhằm hoàn thành tốt tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới”, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thông tin thêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Gia Lai: Nỗ lực triển khai các biện pháp xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.