Giảm ô nhiễm nhựa đại dương (Bài 3): Cần những giải pháp lâu dài và bền vững

Thu Hà|23/10/2021 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đang trở thành một vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái, chất lượng môi trường và môi trường sống của con người và các loài sinh vật trên thế giới. Thực tế đó đòi hỏi thế giới phải chung tay khẩn trương hành động để giải quyết thách thức nghiêm trọng này trước khi quá muộn.

Ô nhiễm nhựa vẫn là một vấn đề nan giải

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương là việc làm, hành động và nhiệm vụ không của riêng một quốc gia hay cá nhân nào. Điều này đòi hỏi phải có sự chung tay hợp tác đa quốc gia để chia sẻ trách nhiệm, nguồn lực thực hiện như trường hợp giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa ở Thái Bình Dương. Bởi đảo rác Thái Bình Dương nằm giữa đại dương, cách xa bờ biển các quốc gia vì vậy không có quốc gia nào chịu trách nhiệm hay đầu tư khoản kinh phí để làm sạch đảo rác này. Theo Charles Moore cho rằng, không một quốc gia nào có thể gánh được khoản tài chính để dọn sạch đảo rác.

Tuy nhiên, nhiều cá nhân và các tổ chức quốc tế đang nỗ lực hạn chế sự gia tăng rác thải ở đây.

Làm sạch đại dương không hề đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ. Nhiều hạt vi nhựa có kích thước tương đương với những loài sinh vật biển nhỏ. Vì vậy, những loại lưới thiết kế để vớt rác cũng khiến các loài sinh vật biển mắc lưới. Ngay cả khi có những loại lưới chuyên dụng chỉ để dọn rác, nhưng đại dương bao la rộng lớn làm tiêu tốn thời gian và tiền bạc để thực hiện. Chương trình rác thải biển của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia đã ước tính rằng sẽ cần 67 tàu một năm chỉ dọn sạch dưới một phần trăm lượng rác ở Bắc Thái Bình Dương.

Ô nhiễm nhựa đại dương tác động đến sự sống của các loài sinh vật biển

Đã có nhiều đoàn thám hiểm đến đảo rác phía Bắc Thái Bình Dương. Charles Moore – người phát hiện ra đảo rác năm 1997 thông qua Quỹ Nghiên cứu Biển Algalita nói lên tiêng nói về thực trạng đáng báo động ở đảo rác Thái Bình Dương. Trong một chuyến thám hiểm năm 2014, Moore và các cộng sự của mình đã sử dụng máy bay không người lái để quan sát quy mô của đảo rác từ trên cao. Qua đó đã xác định được khối lượng rác thải nhựa đại dương ở đây lớn 100 lần so với số liệu đo lường trước đó.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ nhựa tăng cao, khả năng tái chế thấp, công tác quản lý chất thải chưa tốt. Theo thống kê, trung bình, mỗi năm, các đại dương phải gánh thêm từ 4-12 triệu tấn rác thải nhựa – với con số này có thể đủ để phủ kín các bờ biển trên khắp hành tinh của chúng ta. Con số này còn được dự đoán sẽ tăng lên gấp 3 lần trong 20 năm tới.

Ô nhiễm nhựa đại dương tác động đến sự sống của các loài sinh vật biển như rùa biển, cá voi, chim biển, cá, rạn san hô và vô số loài sinh vật biển và môi trường sống khác. Trên thực tế, các nhà khoa học ước tính rằng hơn một nửa số rùa biển trên thế giới và gần như mọi loài chim biển trên Trái đất đã ăn nhựa trong suốt cuộc đời của chúng. Ô nhiễm nhựa cũng ảnh hưởng đến cảnh quan của những bãi biển đẹp trên toàn thế giới, ngay cả ở những vùng xa xôi như đảo san hô Midway.

Một trong những lý do khiến ô nhiễm nhựa vẫn là một vấn đề nan giải đơn giản bởi, rác thải nhựa bị phân hủy thành những hạt nhựa nhỏ hơn gọi là hạt vi nhựa mà được xác định là nguồn gây ô nhiễm môi trường.

Đảo rác Thái Bình Dương là động lực cho nhà thám hiểm David de Rothschild cùng các cộng sự của National Geographic Emerging Explorer phát minh ra con tàu Plastiki vượt Thái Bình Dương được tái chế từ chai nhựa với hy vọng cảnh tỉnh mọi người về vấn đề rác thải, nhất là các loại rác thải nhựa.

Các nhà khoa học, nhà thám hiểm ủng hộ việc hạn chế hoặc loại bỏ sản phẩm nhựa dùng một lần, đồng thời khuyến khích sử dụng sản phẩm phân hủy sinh học. Giải pháp này được xem là cách tốt nhất làm giảm gánh nặng đối với đảo rác ở Thái Bình Dương. Các tổ chức như Liên minh Ô nhiễm Nhựa và Tổ chức Đại dương Nhựa đang sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và các chiến dịch trực tiếp hỗ trợ các cá nhân, nhà sản xuất và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất sản phẩm nhựa độc hại, dùng một lần sang vật liệu có thể phân hủy sinh học hoặc tái sử dụng.

Ô nhiễm nhựa là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với môi trường biển và đại dương trên toàn thế giới. Tuy nhiên, có rất nhiều giải pháp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nhựa đại dương mà bạn có thể thực hiện ngay hôm nay.

Ô nhiễm nhựa là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với môi trường biển và đại dương trên toàn thế giới

Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, điển hình nhất là ô nhiễm do rác thải, trong đó chủ yếu là rác thải nhựa. Các sản phẩm từ nhựa, nilon ra đời mang lại không ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Việc sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa không bền vững đã trở thành một mối đe dọa to lớn đối với hệ sinh thái và môi trường trên đất liền, khu vực ven biển cũng như đại dương.

Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở tốp đầu với khoảng 0,3-0,8 triệu tấn/năm. Nguyên nhân chính dẫn đến lượng rác thải khổng lồ của Việt Nam phát thải vào đại dương là do phương thức sản xuất hàng hóa, cách thức quản lý, năng lực xử lý rác nhựa và ý thức của người dân cũng như doanh nghiệp.

Nhựa chiếm đến 64% tỷ lệ vật liệu dùng trong ngành bao bì của Việt Nam và dự kiến tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa tại Việt Nam được thu gom, phân loại, chủ yếu bởi những người nhặt rác và được tái chế bởi những doanh nghiệp nhỏ.

Giải pháp nào giúp giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương?

Khắc phục những tác hại của nguồn ô nhiễm nhựa đại dương rất tốn kém và phức tạp, trong khi phần lớn rác thải và mảnh vụn bồng bềnh trên đại dương chỉ đơn thuần là do tình trạng “chúng ta sản xuất và tiêu dùng không bền vững”, theo bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành UNEP, thành viên Nhóm chuyên gia hỗ trợ nghiên cứu của Sách trắng “Phá vỡ làn sóng rác thải nhựa”.

Việt Nam là quốc gia có lượng phát thải nhựa ra biển lớn hàng đầu thế giới, do hoạt động quản lý và xử lý chất thải nhựa còn nhiều bất cập. Nhựa thải ở khu vực ven biển do các hoạt động đánh bắt cá và du lịch là nguồn thải trực tiếp vào đại dương, bên cạnh nguồn từ đất liền được vận chuyển theo các con sông ra biển. Giống với các nước trên thế giới, hình thức tái chế sơ cấp, thứ cấp và tứ cấp được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam, nhưng khả năng kiểm soát ô nhiễm thứ cấp còn hạn chế. Việt Nam nên đẩy mạnh việc khuyến khích tái sử dụng và tạo ra các vật liệu thay thế nhựa có nguồn gốc sinh học hoặc có thể phân hủy sinh học.

Nhựa thải ở khu vực ven biển do các hoạt động đánh bắt cá và du lịch là nguồn thải trực tiếp vào đại dương

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Nhận thức về vấn đề đó đang ngày càng nâng cao, với việc Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương cùng hành động để đảo ngược làn sóng rác thải nhựa, trong đó thực hiện theo Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 được ban hành vào cuối năm 2019.

Mỗi người trong chúng ta đều có thể làm điều gì đó dù nhỏ để cùng hàng triệu người trên thế giới chung tay hành động giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nhựa đại dương.

Dưới đây là 7 giải pháp cơ bản nhưng mang tính lâu dài và bền vững để cải thiện tình trạng ô nhiễm nhựa đại dương mà các quốc gia trên thế giới đều đã, đang và sẽ thực hiện.

  1. Hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần

Dù bạn sống ở đâu, cách dễ nhất và trực tiếp nhất mà bạn có thể bắt đầu là giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong hoạt động hàng ngày. Đồ nhựa dùng một lần bao gồm túi nhựa, chai nước, ống hút, cốc, đồ dùng, túi giặt khô, hộp đựng đồ mang đi và bất kỳ đồ nhựa nào khác được sử dụng một lần rồi bỏ đi. Vì vậy hãy nói không với những sản phẩm này hoặc tái sử dụng chúng mà không nên xả rác bừa bãi. Hãy sử dụng các sản phẩm thay thế cốc cà phê, chai, lọ bằng nhựa.

2. Tái chế đúng cách

Đối với những sản phẩm nhựa dùng một lần có thể tái chế được thì nên tái sử dụng. Hiện nay, trên thế giới mới chỉ có khoảng 9% các sản phẩm nhựa được tái chế. Việc tái chế này giúp giảm lượng lớn rác thải xả ra đại dương cũng như tiêu thụ thêm các đồ dùng bằng nhựa mới.

3. Tham gia/tổ chức các chiến dịch làm sạch sông ngòi, làm sạch biển

Để ngăn chặn và hạn chế rác thải nhựa bị xả ra môi trường biển, bạn có thể tham gia hoặc tổ chức các chiến dịch dọn/làm sạch đại dương ở những nơi bạn đang sinh sống, học tập và làm việc. Đây là một trong những việc làm, hành động thiết thực nhất nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nhựa dại dương. Đơn giản là bạn có thể cùng bạn bè, người thân thu gom rác trên biển hoặc tham gia vào một chương trình làm sạch biển tại địa phương hoặc tổ chức quốc tế thực hiện.

4. Tuân thủ các quy định

Nhiều thành phố, quốc gia trên thế giới đã ban hành lệnh cấm, quy định đối với túi nhựa, hộp đựng thức ăn, chai lọ sử dụng một lần. Bạn cần tuân thủ và áp dụng những quy định này trong cuộc sống hàng ngày cũng như tuyên truyền để nhiều người xung quanh cùng thực hiện tốt.

5. Tránh các sản phẩm có chứa hạt vi nhựa

Các hạt nhựa nhỏ, được gọi là “hạt vi sinh”, đã trở thành nguồn gây ô nhiễm nhựa đại dương ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Hạt vi nhựa hiện hữu trong hầu hết các sản phẩm làm đẹp như  kem tẩy da chết, kem đánh răng, sữa tắm chúng dễ dàng xâm nhập vào đại dương và môi trường nước thông qua nguồn nước thải đổ ra hệ thống cống rãnh và ảnh hưởng đến hàng trăm loài sinh vật biển. Để tránh những loại mỹ phẩm chứa hạt vi nhựa, bạn nên kiểm tra thành phần xem có chứa “polythelene” và “polypropylene” ở thông tin trên mỗi sản phẩm.

6. Tăng cường công tác tuyên truyền

Thời gian qua, hoạt động truyền thông về các quy định về phòng chống ô nhiễm nhựa đã được triển khai rất tích cực, có hiệu quả cao và góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.

Tuy nhiên, do chủ đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương mới được nêu lên tại Việt Nam trong vài năm gần đây, nên việc truyền thông trong thời gian qua tập trung nhiều vào vấn đề nâng cao nhận thức, chưa tập trung vào các hoạt động truyền thông về chính sách và quy định của nhà nước.

Có thể nói, truyền thông chính sách là quá trình phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian hơn so với các nỗ lực truyền thông và vận động khác.

Không đơn thuần là chia sẻ các thông tin, truyền thông chính sách đặt ra yêu cầu tổ chức thực hiện, làm gương để đưa các chính sách, các giải pháp chính sách thành hành động thực tiễn.

Trong khi đó, việc tổ chức thực hiện mẫu ở các địa phương còn rất nhiều hạn chế bởi nhiều lý do khác nhau. Do đó, kết quả báo cáo cho thấy còn nhiều người dân chưa thực sự biết về các nỗ lực của nhà nước trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm nhựa.

Thực trạng này đặt ra nhiều thách thức và cho thấy sự cần thiết phải gia tăng các biện pháp truyền thông để người dân đồng hành cùng Chính phủ, các tổ chức trong nước và quốc tế trong nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm nhựa.

Hãy tuyên truyền đến bạn bè, người thân để họ biết về những tác hại của ô nhiễm đại dương để cùng có hành động bảo vệ đại dương khỏi sự ô nhiễm bằng cách cùng nhau xem một hoặc nhiều bộ phim tài liệu liên quan đến ô nhiễm nhựa địa dương như: Đại dương nhựa, Đảo rác, Đại dương đầy nhựa…

7. Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội vì cộng đồng

Có nhiều tổ chức phi lợi nhuận đang hoạt động bằng nhiều cách khác nhau thông qua những chương trình, dự án nhằm giảm thiểu và loại bỏ ô nhiễm nhựa đại dương, mà ở đó họ cần những hành động, việc làm dù là nhỏ bé từ các cá nhân, cộng đồng. Hành động nhỏ để tạo ra sự khác biệt lớn.

Trước thực trạng trên, chúng ta cần có những kế hoạch để thực hiện các chủ trương về ngăn ngừa, giảm thải chất thải nhựa, túi ni lông vào môi trường tự nhiên đặc biệt là môi trường biển. Cần có sự kết hợp giữa các giải pháp về kinh tế – kỹ thuật – giáo dục cùng với giải pháp về công cụ thuế môi trường và tăng cường các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường mới có thể dần cân bằng và kiểm soát được tình trạng rác thải nhựa hiện nay. Lộ trình giảm thiểu rác thải nhựa không hề ngắn, đơn giản mà cần hết sức nghiêm túc, kiên trì, quyết liệt của cả hệ thống chính trị với việc phải thực hiện đồng bộ các giải pháp có hiệu quả, lâu dài.

Nhóm Phóng viên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm ô nhiễm nhựa đại dương (Bài 3): Cần những giải pháp lâu dài và bền vững