Giáo sư, Tiến sỹ Mai Trọng Nhuận: “Cần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”

Minh Trí – Hà Thu|03/02/2019 22:24
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

– Là người đã có nhiều công trình nghiên cứu thiết thực đóng góp cho đất nước trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, sau khi thôi chức danh quản lý tại Đại học Quốc gia Hà Nội, ông vẫn tiếp tục âm thầm cống hiến sức lực của mình cho sứ mệnh bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Người chúng tôi muốn nói đến đó là Giáo sư, Tiến sỹ Mai Trọng Nhuận – Nguyên Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội, chuyên gia cao cấp, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu. Tuy công việc của ông rất bận rộn nhưng ông vẫn dành thời gian trò truyện với Phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống về những vấn đề liên quan đến Biến đổi khí hậu mà nước ta đã và đang chịu ảnh hưởng.

>>> Đảng, Bác Hồ và Mùa xuân của dân tộc

Giáo sư, Tiến sỹ Mai Trọng Nhuận – Nguyên Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội,chuyên gia cao cấp, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu

PV: Là một trong những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực biến đổi khí hậu ở Việt Nam, GS đánh giá như thế nào về tình hình biến đổi khí hậu của Việt Nam hiện nay?

GS, TS Mai Trọng Nhuận: BĐKH đang là thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam là một trong 5 quốc gia tổn thương nặng nề nhất của BĐKH do có bờ biển dài, nhiều vùng đất thấp đồng bằng và ven biển, nhiều thiên tai liên quan đến BĐKH, nhiều ngành kinh tế nhạy cảm với BĐKH, năng lực thích ứng với thiên tai liên quan BĐKH chưa cao.

Việt Nam được dự đoán bị tác động rất nặng nề nếu khí hậu tăng lên 1 độ C và nước biển dâng cao 1m. Trên 12% diện tích sẽ bị ngập dưới mực nước biển 1m. Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là đồng bằng sông  Cửu Long  (ĐBSCL) là vùng đất thấp nên bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi xảy ra ngập lụt, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các hình thái thời tiết cực đoan.

Tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến nhanh hơn dự báo của các nhà khoa học. Nhìn lại năm 2016 và đầu năm 2017 sẽ thấy tính bất thường và cực đoan của thời tiết ngày càng gay gắt, xảy ra trên khắp cả nước. Cụ thể với mùa khô 2016, nhiều nơi ở miền Nam và miền Trung khô hạn do lượng mưa thiếu hụt từ 30 – 40%, lượng dòng chảy trên các sông nhỏ dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn đến sớm hơn 1 tháng ở các vùng cửa sông miền Trung và đặc biệt ở ĐBSCL. Năm 2016, 11/13 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đã phải công bố tình trạng thiên tai, do xuất hiện hạn mặn chưa từng có trong vòng 100 năm qua,  nhiều nơi mặn đã vào sâu 80 – 100 km hoặc hơn. Mỗi năm có 300 ha đất ở ĐBSCL  mất đi do sạt lở, cùng với đó là nước mặn, nước lợ gia tăng, sụt lún đất và nước biển dâng. Người dân điêu đứng vì hạn mặn, thiếu nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất rất nghiêm trọng.

Nhận thức được các nguy cơ và thách thức của BĐKH, Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều hoạt động ứng phó BĐKH đạt được các thành công nổi bật, đóng góp tích cực cho cuộc chiến chống BĐKH của nhân loại như:  i) Sớm xây dựng, hoàn thiện và thực hiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, hệ thống tổ chức ứng phó BĐKH (ƯPBĐKH), tiên phong xây dựng báo cáo đóng góp quốc gia tự quyết định (INDC), kế hoạch thực hiện thảo thuận Paris về khí hậu ….  Ngày 3/6/2013 tại Hội nghị lần 7, BCH TƯ khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” làm cơ sở cho việc thống nhất nhận thức và hành động, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bố trí nguồn lực của Nhà nước về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, hướng tới mô hình phát triển mới để đạt được nền kinh tế xanh, phát triển bền vững ở nước ta trong tương lai; ii) Phát huy sức sống, sức sáng tạo cộng đồng, xã hội thích ứng, giảm nhẹ BĐKH như chung sống khôn ngoan với  lũ lụt, với hạn mặn và BĐKH, chuyển hoá các thách thức từ BĐKH thành cơ hội phát triển (tận dụng nóng lên toàn cầu để làm ấm nước, tăng sinh khối và năng suất sinh học, chuyển đổi mùa vụ, giống cây trồng vật nuôi; phát huy kiến thức bản địa, truyền thống, kinh nghiệm trong phòng chống thiên tai và BĐKH,…phát huy văn minh trị thuỷ thích ứng với BĐKH, tích hợp thích ứng với giảm nhẹ  (phát triển RNM ven biển); iii) phát triển khoa học, công nghệ ứng phó BĐKH (xây dựng và triển khai  các chương trình KHCN ứng phó BĐKH, xây dựng  nông thôn mới, phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường, dự báo và xây dựng kịch  bản BĐKH, đánh giá tổn thương; các công nghệ phát triển năng lượng tái tạo, các mô hình làng, nông nghiệp, đô thị thông minh, thích ứng BĐKH, mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH; phát triển các tổ chức nghiên cứu về BĐKH như viện/trung tâm nghiên cứu BĐKH; iv) phát triển nguồn nhân lực ƯPBĐKH (lần đầu tiên ở châu Á, xây dựng chương trình thạc sỹ BĐKH  và chương trình thạc sỹ quản trị an ninh phi truyền thống,  khoa học bền vững (thứ hai của châu Á), đưa BĐKH vào chương trình học của các cấp học, …); v) Triển khai mạnh và hiệu quả hợp tác quốc tế về ƯPBĐKH, phòng chống thiên tai.

Giáo sư Mai Trọng Nhuận – Nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (thứ 3 từ trái sang) tại buổi Công bố Top 05 tác phẩm xuất sắc vào vòng chung kết cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” năm 2018.

PV:  Được biết, trong 2 năm vừa qua GS đã nhận lời làm Trưởng ban giám khảo cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” do Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức. Vậy lý do nào khiến giáo sư đồng ý làm Trưởng ban giám khảo của cuộc thi?

GS, TS Mai Trọng Nhuận: Thứ nhất, như đã nói trên, nước ta bị tác động rất nặng nề của BĐKH, cần phải nâng cao nhận thức, quyết tâm và nỗ lực của mỗi người dân, cộng đồng và xã hội chủ động, sáng tạo ứng phó BĐKH hướng đến phát triển bền vững.

Thứ hai là cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” là một cuộc thi rất có ý nghĩa, không chỉ kích thích sự sáng tạo của các bạn sinh viên để đưa ra những ý tưởng ứng phó BĐKH mà còn tác động mạnh mẽ tới nhận thức của tất cả mọi người cùng chung tay chống biến đổi khí hậu; cuộc thi là cơ hội để các bạn sinh viên học hỏi, trau dồi thêm kiến thức, nâng cao kỹ năng hợp tác, đồng thời đưa ra được ý tưởng và giải pháp mới nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới cuộc sống; góp phần khuyến khích, động viên thế hệ trẻ nâng cao ý thức, trach nhiệm, tích cực và chủ động tứng phó BĐKH vì phát triển bền vững, thịnh vượng, an toàn. Qua Cuộc thi, các bạn sinh viên sẽ trở thành cầu nối và trực tiếp tham gia vào công tác truyền thông về biến đổi khí hậu, cung cấp cho cộng đồng những kiến thức nhất định để họ hiểu rõ hơn về thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ ba là hy vọng bằng những thông tin, kiến thức của mình sẽ cùng ban giám khảo dựa vào  những ý kiến tư vấn chuyên sâu để lựa chọn ra những sáng kiến giải pháp hiệu quả nhất trong số các bài dự thi.

PV: Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” là sân chơi cho các bạn sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp trên cả nước thể hiện trách nhiệm của mình trong công tác truyền thông về biến đổi khí hậu. Là Trưởng ban giám khảo, GS đánh giá như thế nào về những tác phẩm dự thi của các bạn sinh viên trong thời gian qua?

GS, TS Mai Trọng Nhuận: Những tác phẩm dự thi năm nay đã bám sát chủ đề phù hợp với thể lệ cuộc thi, đa dạng về hình thức, nội dung thể hiện sự quan tâm của thế hệ trẻ với vấn đề BĐKH. Các bạn không những phân tích được hạn hán, BĐKH như thế nào mà còn đưa ra được những ý tưởng sáng tạo, độc đáo và khả thi để  ứng phó với BĐKH.

Tôi hy vọng những giải pháp mà các bạn đưa ra trong tác phẩm đạt giải sẽ được ứng dụng vào thực tiễn nhằm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu góp phần giúp nhân dân có cuộc sống bình an.

Tôi đánh giá cao Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với Cuộc sống” – Chủ đề: Hạn hán và xâm nhập mặn. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng Chương trình Gala phát động cuộc thi tại các trường đại học, cao đẳng của Ban tổ chức. Các hoạt động dọn vệ sinh và thu gom rác thải, đi bộ vì môi trường, đạp xe tuyên truyền về biến đổi khí hậu, trồng cây xanh mà Ban tổ chức thực hiện trong thời gian qua là rất đáng khích lệ và cần được nhân rộng.

Nhân dịp năm mới, xin gửi lời chúc sức khỏe thành công tới bạn đọc cũng như ban biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống.

PV: Xin trân trọng cám ơn Giáo sư, chúc Giáo sư luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục cống hiến cho đất nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu!

Minh Trí – Hà Thu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo sư, Tiến sỹ Mai Trọng Nhuận: “Cần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”