Gió mùa đông bắc gây nhiều thiệt hại ở các vùng ven biển miền Trung

Mai Hạ|19/12/2022 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp nhiễu động trong đới gió Đông trên cao gây nhiều thiệt hại các vùng ven biển tại các tỉnh Phú Yên, Kiên Giang, Đà Nẵng.

gio-mua-dong-bac.jpg
Hàng ngàn chậu cúc lớn của các vùng trồng hoa lớn nhất tỉnh là phường 9, xã Bình Kiến và xã Bình Ngọc TP Tuy Hòa bị gió mùa đông bắc xô tróc gốc, đổ ngã, vỡ chậu.

Tại địa bàn tỉnh Phú Yên, cơn mưa đêm 18/12 với lượng nước mưa phổ biến từ 30-107mm và có gió mạnh cấp 5, giật cấp 7- 8, đã quan trắc được tại trạm Khí Tượng Tuy Hòa, vùng ven biển có gió cấp 8, giật cấp 9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 4.0- 6.0m. Thời tiết bất thường đã ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân…Công tác khắc phục các thiệt hại và chủ động ứng phó với thiên tai đang được triển khai khẩn trương.

Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT_TKCN) tỉnh Phú Yên cho biết: về nông, lâm nghiệp: đã có 7 ha hoa màu các loại bị ngã đổ dập nát thiệt hại 100% (chủ yếu là các loại hoa Tết ở thị xã Tuy Hòa như cây quất, mai, ly, lay ơn và rau các loại); gió mạnh cũng làm ngã đổ 54 cây xanh đô thị, 330m3 kênh mương bị sập, hư hỏng; sóng lớn gây triều cường cuốn 100 m3 cát bồi lấp khu vực công viên biển thành phố Tuy Hòa; có 01 tàu bị hư hỏng do va đập.

Thiệt hại nặng nhất là tại thành phố Tuy Hòa, nhiều diện tích hoa trồng Tết bị đổ gãy, hàng ngàn chậu hoa cúc lớn của các vùng trồng hoa lớn nhất tỉnh là phường 9, xã Bình Kiến và xã Bình Ngọc bị gió xô tróc gốc, đổ ngã, vỡ chậu…

Gia đình bà Nguyễn Thị Lắm ở thôn Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa trồng 1.200m2 hoa lay ơn bán trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, nhưng chỉ từ tối 17/12 đến chiều 18/12, gió mạnh đã làm phần lớn diện tích hoa bị gãy thân, không cứu vãn được. Nhiều diện tích rau xanh của bà con xã Bình Ngọc đến kỳ thu hoạch cũng bị đợt gió lớn quật tơi tả, thất thu nhiều.

Tương tự, tại phường 9 và xã Bình Kiến, gió thổi mạnh đã xô đổ hàng ngàn chậu hoa cúc trồng chuẩn bị bán Tết. Hộ ông Trần Văn Bảy ở xã Bình Kiến, có khoảng 500 chậu hoa cúc, bị gió mạnh làm ngã đổ, nhiều chậu bị vỡ, hoa bị gãy nhiều. Ngày hôm nay phải tập trung khắc phục thay chậu hoa bị vỡ. Nhiều người trồng hoa phải dùng lưới mùng bao bọc xung quanh che chắn đỡ gió giật, tốn nhiều công sức…

Ngoài thiệt hại hoa màu, trong hai ngày qua gió mùa đông bắc cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân. Có nhiều trường hợp gió giật gây tai nạn ngã xe máy trên đường; nhiều công trình mái che nhà dân, các bản hiệu nơi công cộng bị ngã đổ. Một số chuyến bay đến và đi tại cảng hàng không Tuy Hòa trong các ngày ngày 17-18/12 cũng bị ảnh hưởng lịch trình bay.

Trước tình hình thời thiết bất lợi, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Phú Yên kịp thời thông báo các địa phương, đơn vị chủ động triển khai phương án ứng phó với mưa, gió mạnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

UBND các huyện, thị xã và thành phố thông báo chỉ đạo các địa phương theo dõi tình hình thời tiết, mưa, gió mạnh... trên các phương tiện thông tin; tuyên truyền vận động người dân chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp....

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN đề nghị các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ các bản tin về mưa, gió lớn, triều cường, lốc xoáy…để chủ động sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đơn vị.

Tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh, UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo, điều hành ứng phó.

Tại Kiên Giang, theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang, từ đêm 17/12 đến trưa 19/12, tỉnh đã chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc mạnh, một số địa phương xuất hiện gió to, sóng lớn trên biển, gây nhiều thiệt hại về tài sản của Nhà nước và người dân trên địa bàn. Ước tính ban đầu, tổng giá trị thiệt hại về vật chất khoảng 3,8 tỷ đồng; rất may là không có thiệt hại về người.

Tại thành phố Phú Quốc, gió mạnh làm sập 9 căn nhà, tốc mái 40 căn, 33 phòng trọ, một nhà thùng nước mắm, đổ ngã 550 bụi tiêu, một số cây ăn trái như sầu riêng, ổi, xoài, vú sữa… và nhiều cây xanh.

Gió mạnh làm tốc mái một số nhà dân ở hai huyện Kiên Hải và Kiên Lương. Trong đó, tại huyện Kiên Hải, gió mạnh kết hợp sóng lớn làm chìm hai tàu cá, hai xuồng câu mực và sạt lở 35 m đất ven biển; gây vỡ nhiều cửa kính tại trụ sở UBND xã Sơn Hải.

Lãnh đạo các huyện, thành phố bị thiệt hại do thiên tai trực tiếp xuống hiện trường, tập trung bố trí chỗ ở tạm thời cho người dân bị thiệt hại và chỉ đạo thực hiện phương châm "4 tại chỗ" để giúp bà con sớm ổn định cuộc sống. Hiện nay, các huyện, thành phố đã tạm ứng ngân sách địa phương để hỗ trợ, thăm hỏi, động viên người dân, đồng thời huy động lực lượng đội xung kích phòng, chống thiên tai tại chỗ để giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang tiếp tục phối hợp với địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả, giúp các hộ dân bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết còn đang diễn biến phức tạp để kịp thời dự báo, thông báo cho các cơ quan, đơn vị, người dân biết để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

gio-mua-dong-bac-1.jpg
Gió mùa đông bắc còn làm nhiều container chở hàng (màu xanh) rơi xuống biển, được lực lượng Biên phòng cửa khẩu Cảng Dung Quất (Quảng Ngãi) phát hiện trôi dạt vào gành đá mũi Nam Châm, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn.

Tại vùng biển miền Trung, sóng lớn hất văng nhiều container chở hàng xuống biển. Báo cáo của Công ty TNHH MTV Vận tải biển Gemadept gửi Cảng vụ Hàng Hải Quảng Ngãi và Quảng Nam sáng ngày hôm nay 19/12 cho biết nhiều container bất ngờ rơi từ tàu chở hàng văng xuống vùng biển miền Trung.

Theo đó, tàu Pacific Express rời Cảng TP.HCM lúc 23h54 ngày 15/12, chở 8.117 tấn hàng hóa đến Cảng Hải Phòng. Khoảng 17h10 ngày 17/12, tàu đi ngang qua Hòn Ông gần cửa Đà Nẵng thì sóng lớn giật cấp 8, cấp 9 hất văng nhiều container xuống biển. Quá trình đánh giá và kiểm đếm, thuyền trưởng và các thuyền viên phát hiện 10 container chứa thiết bị điện tử, điện lạnh rơi xuống biển. Sau đó, thuyền trưởng tàu Pacific Express báo khẩn cấp cho Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng để phát bản tin an toàn và cảnh báo các tàu xung quanh.

Liên quan đến vụ việc này, lãnh đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Dung Quất (Quảng Ngãi), cho hay qua kiểm tra, đơn vị xác định bên trong hai container chứa nhiều tủ lạnh, ti vi và máy giặt trôi dạt vào gành đá mũi Nam Châm, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn.

Do ảnh hưởng thời tiết xấu biển động mạnh nên ngày 19/12, cơ quan chức năng vẫn chưa thể trục vớt được hai container trôi dạt vào khu vực này. Bước đầu, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Dung Quất xác định chủ sở hữu của hai container trôi dạt nhiều khả năng của Công ty TNHH MTV Vận tải biển Gemadept (doanh nghiệp chuyên về logistics, có trụ sở tại TP. HCM).

Bên hông mỗi container có dòng chữ Gemadept Logistics dạt vào bờ, mắc cạn trên ghềnh đá. Một container bị thủng phần đáy, cửa bị mở, bên trong chứa nhiều thùng carton ghi dòng chữ "tủ đông". Một số thiết bị điện lạnh bị sóng đánh bung ra ngoài. Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất đã điều lực lượng bảo vệ tại hiện trường, đề phòng các vật thể trôi dạt, va chạm gây nguy hại cho công trình, tàu thuyền trên biển.

Hồi tháng 2/2021, tàu sắt dài hơn 30 m chở 71 kiện hàng, không có người, trôi dạt cách bờ biển Bình Định 100 km, sau đó được ngư dân lai dắt vào bờ giao cho chính quyền và bán đấu giá 380 triệu đồng. Mới đây, hôm 9/12, thêm tàu sắt dài khoảng 40 m, rộng 10 m dạt vào bờ biển Quảng Trị.

Bài liên quan
  • Đà Nẵng chủ động ứng phó gió mùa đông bắc, mưa lớn
    Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, từ ngày 9 đến 12/10, tại thành phố Đà Nẵng có khả năng xuất hiện đợt mưa lớn với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi hơn 350mm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gió mùa đông bắc gây nhiều thiệt hại ở các vùng ven biển miền Trung