Tài nguyên và phát triển

Gỡ nút thắt chính sách để điện mặt trời mái nhà phát triển trong khu công nghiệp

Anh Minh 08:39 19/05/2025

Trong chiến lược hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) tại khu công nghiệp (KCN) được đánh giá là giải pháp then chốt vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, vừa thúc đẩy mô hình sản xuất xanh. Tuy nhiên, dù tiềm năng rất lớn, việc triển khai trên thực tế vẫn gặp nhiều rào cản về thể chế, kỹ thuật và mô hình kinh doanh.

Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong 381 khu công nghiệp và khoảng 700 cụm công nghiệp, với diện tích mái nhà xưởng có thể khai thác tới 12–20 GWp, tương đương công suất hơn 10 nhà máy nhiệt điện than lớn. Điện mặt trời mái nhà không chỉ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí năng lượng mà còn đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường xuất khẩu như EU, đặc biệt khi cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ chính thức áp dụng từ năm 2026.

dien-mat-troi.png
Ảnh minh họa

Tại Diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả” ngày 15/5, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: Việc sử dụng năng lượng sạch không còn là một lựa chọn tự nguyện, mà là điều kiện bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn duy trì thị phần quốc tế. Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu công suất nguồn điện đạt tới 236 GW vào năm 2030, đòi hỏi đa dạng hóa các nguồn năng lượng, trong đó ĐMTAM là giải pháp cấp thiết.

Thể chế chưa theo kịp thực tiễn: Doanh nghiệp muốn làm nhưng còn vướng


Dù nhu cầu chuyển đổi xanh là cấp bách, nhưng nhiều doanh nghiệp tại KCN phản ánh đang gặp khó do các quy định pháp lý chưa bắt nhịp với thực tiễn. Một trong những rào cản lớn là mô hình bên thứ ba đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái xưởng để bán điện cho khách thuê hiện chưa được pháp luật công nhận. Trong khi đó, khách thuê thường không sở hữu mái, thời gian thuê ngắn nên không có động lực đầu tư hệ thống riêng; còn chủ sở hữu nhà xưởng lại không được phép bán lại điện.

Ngoài ra, quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp. Ví dụ, chỉ doanh nghiệp tiêu thụ từ 200.000 kWh/tháng mới được tham gia, trong khi nhu cầu sử dụng điện tái tạo đang tăng mạnh ngay cả ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hạn chế khác là chỉ cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên mua điện dư, khiến các doanh nghiệp phân phối nội bộ trong KCN không thể tiếp cận nguồn điện tái tạo còn dư dù họ có đủ năng lực kỹ thuật và pháp lý.

Chuyên gia từ Viện iSEAR kiến nghị cần mở rộng quyền mua bán điện dư trong nội bộ KCN, cho phép các chủ thể tự đàm phán giá và lựa chọn đối tác cung cấp điện, thay vì áp trần cứng như hiện nay. Đồng thời, cần xem xét điều chỉnh quy định giới hạn công suất hệ thống ĐMT không vượt quá phụ tải cực đại (Pmax), bởi điều này không phù hợp với bản chất biến thiên của điện mặt trời và hạn chế khả năng đầu tư đi kèm lưu trữ.

Một vướng mắc khác là cách tính khung giá phát điện cho điện mặt trời mái nhà hiện vẫn dựa theo mô hình mặt đất, không phản ánh đúng chi phí đầu tư thực tế – đặc biệt với các dự án nhỏ, dẫn đến thời gian hoàn vốn dài và ít hấp dẫn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, thiếu hướng dẫn chi tiết về quy trình đầu tư, đấu nối, PCCC, môi trường… cũng khiến nhiều doanh nghiệp chùn bước.

Điện mặt trời áp mái trong khu công nghiệp là mảnh ghép quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không tháo gỡ kịp thời các vướng mắc thể chế và kỹ thuật, nguồn năng lượng xanh này sẽ tiếp tục bị "bỏ quên trên mái". Đã đến lúc cần một khung pháp lý linh hoạt, minh bạch để khơi thông dòng điện xanh, đồng hành cùng doanh nghiệp trên hành trình phát triển bền vững.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Gỡ nút thắt chính sách để điện mặt trời mái nhà phát triển trong khu công nghiệp
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.