XEM VIDEO: Góc nhìn tuần qua: Chủ động ứng phó “thảm họa kép” thiên tai và dịch bệnh
Với tình hình dịch bệnh từng bước được kiểm soát, các địa phương đã có kế hoạch nới lỏng giãn cách, xây dựng lộ trình “thẻ xanh COVID-19” để người dân, doanh nghiệp có thể sinh hoạt, hoạt động trở lại. Để đạt được điều này, việc tiêm vaccine cho người dân trên cả nước được đẩy mạnh, đồng thời công tác an sinh xã hội cũng được tăng cường để người dân có thể yên tâm phòng, chống dịch.
Công tác phòng chống dịch trên cả nước đã có những tín hiệu tích cực. Việc khôi phục sản xuất đã giúp cho cuộc sống của người dân dần trở lại với nhịp sống bình thường. Tuy nhiên, dù là đã kiểm soát được một phần nào đó dịch bệnh, nhưng vẫn còn đó những ảnh hưởng và có thể dịch bệnh sẽ quay trở lại nếu chúng ta chủ quan. Ngoài công tác phòng chống dịch thì các địa phương cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó khi có thiên tai xảy ra.
Để phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay người dân cần thực hiện đầy đủ các bước về khai báo y tế; chuẩn bị hóa chất, vật tư y tế dự trữ cho tình huống thiên tai; Tăng sức miễn dịch cho cộng đồng Phòng chống Covid-19; Chăm sóc sức khỏe cho người dân trong khu sơ tán. Để bảo đảm không lây lan dịch bệnh khi phải sơ tán, cần bố trí các nhóm người vào nhiều khu hợp lý khác nhau như nhóm F1/ nhóm nghi nhiễm, nhóm nguy cơ thấp, không có triệu chứng, sắp xếp ưu tiên cho các đối tượng dễ bị tổn thương như người già, người có bệnh nền nghiêm trọng, phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em, người tàn tật. Đặc biệt lưu ý về các vấn đề về vệ sinh, khử khuẩn, nước sạch và an toàn thực phẩm tại nơi sơ tán. Công tác truyền thông giúp cung cấp thông tin, kỹ năng, nâng cao kiến thức giúp người dân sẵn sàng ứng phó để hạn chế tối đa tác động của thiên tai, dịch bệnh cũng phải được thực hiện nhanh chóng. Thông tin phải đi trước một bước, phải nhanh hơn thiên tai, bão lũ, dịch bệnh và đến được với tất cả mọi người.
Ban Biên tập Moitruong.net.vn