VIDEO: Góc nhìn tuần qua: Đã có thể coi Covid-19 là bệnh đặc hữu?
Việt Nam xây dựng song song hai kịch bản: Một là để COVID-19 trở thành bệnh lưu hành, hai là sẵn sàng các biện pháp dự phòng, không bị động để khi xuất hiện tình huống mới.
Với kịch bản thứ nhất là biến chủng Omicron đang lưu hành dần dần sẽ giảm bớt độc lực. Bên cạnh đó, với miễn dịch có sẵn từ việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và miễn dịch từ những trường hợp đã mắc bệnh, số trường hợp chuyển nặng và tử vong sẽ giảm. Như vậy với kịch bản này, chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, tức là đưa bệnh COVID-19 sang bệnh lưu hành. Các hoạt động xã hội có thể trở về bình thường mới. Mỗi cá nhân trong xã hội đều biết được các nguy cơ của mình và nếu thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch thì cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Chúng ta chủ yếu tập trung vào những đối tượng nguy cơ cao là những người cao tuổi, người có bệnh nền.
Với kịch bản thứ hai, chúng ta sẽ triển khai lại các biện pháp phòng dịch cấp bách như đã từng làm trước kia. Đến thời điểm này, trong công tác phòng chống COVID-19, chúng ta đã có nhiều vũ khí như vaccine, thuốc điều trị, kinh nghiệm điều trị và các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên phải thường xuyên cập nhật hơn nữa về thuốc điều trị mới và đặc biệt là công nghệ vaccine. Hiện nay trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19, vaccine vẫn là vũ khí chiến lược. Dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng vẫn có nhiều thách thức, nguy cơ xuất hiện các biến thể mới có thể giảm động lực hoặc kháng lại vaccine. Đặc biệt, mọi người luôn phải nghĩ tới tình huống nhiều người đã mắc COVID-19 hoặc tiêm chủng với kháng thể giảm dần theo thời gian, vì vậy vẫn cần phủ rộng vaccine cho những đối tượng nguy cơ cao trong tình hình mới.
Ban Biên tập Moitruong.net.vn