[Góc nhìn tuần qua]: Mưa lớn và những hiện tượng thời tiết bất thường

Ban Biên tập Moitruong.net.vn|08/06/2024 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong những ngày qua, khu vực Bắc bộ xảy ra mưa lớn. Đặc biệt vào sáng sớm ngày 5/6, khu vực Hà Nội đã xảy ra mưa to và sấm sét liên hồi. Trong khi tần suất các cơn dông kèm theo sét sẽ liên tục xuất hiện từ nay đến tháng 10, tháng 11 thì việc trang bị các kĩ năng trong phòng chống sét là điều vô cùng quan trọng.

Góc nhìn tuần qua: Mưa lớn và những hiện tượng thời tiết bất thường

Việt Nam nằm ở tâm dông châu Á, một trong ba tâm dông trên thế giới. Mùa dông ở Việt Nam tương đối dài, số ngày dông trung bình 100 ngày mỗi năm và số giờ dông trung bình là 250 giờ một năm. Việt Nam hứng chịu tới 2 triệu cú sét mỗi năm. Tần suất sét lớn hơn ở vùng núi, vùng trung du phía Bắc và đồng bằng Nam bộ. Nhiệt độ của một tia sét gấp 5 lần nhiệt độ Mặt trời, vận tốc chỉ bằng 1 cái chớp mắt. 

Các chuyên gia khuyến cáo, dông sét là hiện tượng phóng điện giữa đám mây dông tích điện xuống mặt đất. Vì vậy, người dân chú ý: hạn chế sử dụng điện thoại trong khi có dông, sét; tránh các chỗ ẩm ướt; ngắt các thiết bị điện để tránh bị điện giật, hỏa hoạn, tắt tạm thời các thiết bị điện; không đứng gần hoặc thò đầu ra ngoài cửa sổ, cửa chính và không được ở trên nóc nhà hoặc cây cối. Người dân cần dùng các vật dụng cứng che đầu và tìm ngay nơi tránh trú tại những công trình kiên cố có mái che; không trú mưa dưới các gốc cây to, gò cao và nơi có nước; tìm nơi thấp hơn, khô ráo để tránh; tránh xa các vật dụng kim loại bởi vì chúng là những thứ thu hút sét. Người dân không đứng thành nhóm người gần nhau tránh sét đánh lan. Trong trường hợp không thể tìm nơi trú ẩn, để phòng tránh sét, người dân nên tìm chỗ khô ráo, có vị trí càng thấp càng tốt. Hai tay bịt tai để tránh ảnh hưởng đến thính giác. Hai bàn tay chụm vào nhau và nhón chân lên để giảm tiếp xúc với mặt đất, không nằm sát xuống đất.

Bên cạnh đó, mưa lớn trong những ngày qua khiến nhiều tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai vừa có Công văn yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Theo đó, nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết, thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả (nếu có). Các tỉnh, thành phố nêu trên triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đài truyền hình cấp tỉnh, các cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tại cơ sở, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để giảm thiểu thiệt hại.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
[Góc nhìn tuần qua]: Mưa lớn và những hiện tượng thời tiết bất thường